Ảnh Internet |
Nặng gánh lãi vay
Trong riêng quý III, HAGL lỗ sau thuế 77 tỷ đồng, nâng khoản lỗ lũy kế 9 tháng lên 1.268 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch hòa vốn nửa cuối năm 2016 (đã được ĐHĐCĐ thường niên 2016 thông qua) tiếp tục tạo áp lực lên Công ty trong quý IV năm nay.
Chi phí tài chính, cụ thể là chi phí lãi vay tiếp tục là tội đồ gây thua lỗ của HAGL trong quý III năm nay. Trong khi lãi gộp đạt được chỉ 185 tỷ đồng, Công ty phải chi tới 377 tỷ đồng để trả lãi vay. Tính ra, mỗi ngày tập đoàn của “bầu” Đức gánh 4,2 tỷ đồng chi phí lãi vay.
Mặc dù nặng gánh lãi vay, HAGL cũng có những khoản cho vay nghìn tỷ, thu về 725 tỷ đồng lãi vay trong 9 tháng đầu năm. Trong đó, có tới 345 tỷ đồng HAGL thu về từ Công ty CP Đầu tư Bất động sản An Phú, công ty con một thời của HAGL, đã được HAGL thoái vốn vào năm 2013. Hiện HAGL còn cho An Phú vay ngắn và dài hạn trên 3.627 tỷ đồng. Tuy nhiên, toàn bộ lãi vay của An Phú vẫn đang được “treo” dưới dạng khoản phải thu.
HAGL cũng cho Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức vay gần 700 tỷ đồng, và ông Đức nợ Công ty trên 58 tỷ đồng lãi vay. Tuy nhiên, mối quan hệ của “bầu” Đức và HAGL không chỉ là quan hệ vay mượn một chiều. Trong rất nhiều hợp đồng vay của HAGL với các ngân hàng, cổ phiếu HAG do cá nhân ông Đức nắm giữ đã được Công ty dùng làm tài sản bảo đảm.
Dòng tiền đến hồi cấp bách
Mặc dù thua lỗ nghìn tỷ, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của HAGL trong 9 tháng đầu năm vẫn đạt 1.856 tỷ đồng, có nghĩa là các hoạt động kinh doanh chính của Công ty vẫn đang tạo ra được dòng tiền đáng kể. Đó là một điểm sáng đáng ghi nhận trong báo cáo tài chính của HAGL. Dư tiền và tương đương tiền của Công ty cuối quý III năm nay đạt 889 tỷ đồng, giảm 78 tỷ đồng so với số dư đầu năm.
Nợ vay ngắn và dài hạn của HAGL tính đến cuối quý III đạt 25.849 tỷ đồng, giảm gần 1.250 tỷ đồng so với số dư đầu năm. Tuy nhiên, đáng lo ngại ở chỗ, nợ vay ngắn hạn của HAGL đang có xu hướng tăng lên rõ rệt, từ mức 8.298 tỷ đồng lên 12.271 tỷ đồng (tăng 48%). Điều đó đồng nghĩa với việc ngoài áp lực trả lãi vay (đã khiến Công ty thua lỗ), áp lực trả nợ gốc các khoản vay sẽ đe dọa hoạt động của HAGL trong thời gian tới. Khi đó, hoạt động kinh doanh mặc dù vẫn mang về nghìn tỷ cho HAGL, cũng khó mà đáp ứng nhu cầu trả nợ. Bán tài sản là điều mà HAGL đang cân nhắc.
Trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên tổ chức vào giữa tháng 9/2016, ông Đoàn Nguyên Đức hé lộ khả năng Công ty sẽ bán 20.000 hec ta cao su tại khu vực biên giới 3 nước Đông Dương. Đối tác Trung Quốc đã ngỏ lời mua khu đất chiến lược này. Nếu Chính phủ không ra tay “cứu” HAGL bằng cách giãn nợ, giảm lãi suất, bơm thêm vốn, Công ty sẽ buộc phải bán rừng cao su ở vị trí nhạy cảm này cho đối tác Trung Quốc.