Nghị quyết số 954 nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng. Ảnh: Internet |
Về thời hạn quyết toán thuế, Luật Quản lý thuế số 38 đã kế thừa Luật Quản lý thuế 2006. Tuy nhiên, với đối tượng quyết toán thuế là cá nhân, vì số lượng tương đối lớn, cũng như cá nhân cần thời gian để tổng hợp thu nhập phát sinh trong năm ở nhiều nguồn khác nhau, vì vậy Luật Quản lý thuế số 38 có quy định tăng thêm thời gian thực hiện khai, quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho người nộp thuế thêm 30 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch (đến 30/4/2021).
Một điểm mới nổi bật khác của thuế TNCN năm 2020, đó là Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 954 đã nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/người lên 4,4 triệu đồng/người.
Với mục tiêu giảm số lượng người phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân hàng năm, Luật Quản lý thuế số 38 đã quy định miễn thuế cho cá nhân có số thuế phải nộp thêm sau quyết toán từ 50.000 đồng trở xuống, đồng nghĩa cá nhân được miễn thuế trong trường hợp này sẽ không phải nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN.
Ngoài ra, các cá nhân có phát sinh số thuế được hoàn, nhưng không có nhu cầu hoàn thuế, thì cũng được quyền lựa chọn không phải nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN. Còn lại đa phần các cá nhân khác (chiếm khoảng 47% tổng số người có thu nhập từ tiền lương, tiền công) có quyền ủy quyền cho tổ chức chi trả thu nhập quyết toán thuế thay.
Cá nhân có một nguồn thu nhập thì đơn vị chi trả thu nhập hàng tháng, hàng quý khi chi trả thu nhập đã khấu trừ thuế TNCN tại nguồn. Do đó, đơn vị có đủ thông tin để có thể khai thay, quyết toán thay, cá nhân có quyền ủy quyền cho tổ chức quyết toán thuế thay.
Hoặc cá nhân trong năm làm việc tại một tổ chức này, nhưng lại được thuyên chuyển làm việc tại một đơn vị khác trong cùng một hệ thống, hoặc giữa các đơn vị có sự thay đổi tổ chức do hợp nhất, sáp nhập, chia tách, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, đơn vị làm việc ban đầu và đơn vị làm việc sau cùng trong một hệ thống, họ có kế thừa dữ liệu chi trả thu nhập của từng cá nhân, thì bản thân cá nhân đó được quyền lựa chọn đơn vị chi trả thu nhập cuối cùng để ủy quyền quyết toán thay.
Cá nhân có ký hợp đồng lao động 3 tháng trở lên tại một nơi, nhưng có phát sinh thu nhập vãng lai ở các nơi khác nhau, bình quân thu nhập vãng lai đó dưới 10 triệu đồng/tháng, khi các đơn vị chi trả vãng lai đã khấu trừ 10% cho thu nhập từ 2 triệu đồng trở lên, thì cá nhân đó cũng không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập vãng lai và được quyền lựa chọn đơn vị ký hợp đồng lao động để ủy quyền quyết toán thuế thay.
Nghị quyết 954 có hiệu lực từ 1/7/2020 và áp dụng cho toàn năm 2020 (từ 1/1 đến 31/12/2020). Nhiều cá nhân trong các tháng đầu năm đã khấu trừ hoặc nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnh cũ, khi thực hiện quyết toán năm 2020 sẽ được điều chỉnh lại theo mức giảm trừ gia cảnh mới.
Theo ước tính, các cá nhân thuộc diện phải quyết toán thuế là 48% (gồm 47% uỷ quyền quyết toán và 1% tự quyết toán), tương đương với khoảng 11 triệu người thì có hơn 5 triệu người có thu nhập đến mức phải nộp thuế khi áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới (giảm khoảng 1 triệu người so với mức giảm trừ gia cảnh cũ). Đồng thời, sau quyết toán sẽ có một số cá nhân phát sinh số đã nộp trong năm lớn hơn số phải nộp theo quyết toán sẽ được quyền đề nghị hoàn thuế hoặc chuyển bù trừ sang số phải nộp kỳ sau.
Tổng cục Thuế cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, người nộp thuế gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và công việc. Yêu cầu giãn cách xã hội, tránh tập trung đông người tại các cơ quan hành chính nhà nước đã được Chính phủ chỉ đạo. Trong bối cảnh đó, ngành Thuế đã tập trung để nâng cấp ứng dụng, cập nhật những quy định mới, mẫu biểu vào hồ sơ khai thuế TNDN và thuế TNCN.
Ngành Thuế đã hoàn thành 2 ứng dụng cơ bản về quyết toán thuế TNDN và quyết toán thuế TNCN, cũng như việc công khai trên Cổng thông tin điện tử của ngành Thuế để toàn bộ người nộp thuế biết và thực hiện khai và nộp hồ sơ khai thuế bằng phương thức điện tử.
Các năm trước lượng cá nhân khai thuế điện tử tương đối hạn chế do người nộp thuế phải sử dụng chữ ký số. Tuy nhiên, với Thông tư số 105/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính đã tháo gỡ vướng mắc này cho cá nhân. Theo đó, nếu cá nhân không có chữ ký số thuế có thể sử dụng mã giao dịch điện tử theo từng lần giao dịch được cấp qua số điện thoại của chính cá nhân đó.