Hợp đồng giả, gian nan xử lý tài sản bảo đảm

Khi phần lớn bất động sản bảo đảm khoản vay thuộc sở hữu của bên thứ ba, ngân hàng gặp không ít khó khăn trong việc xử lý nhằm thu hồi hàng trăm tỷ đồng cho vay “dễ dãi”.
Xử lý tài sản bảo đảm khoản vay là bất động sản thường gặp nhiều khó khăn
Xử lý tài sản bảo đảm khoản vay là bất động sản thường gặp nhiều khó khăn

Trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản vừa được đưa ra xét xử, cơ quan tố tụng xác định, bị cáo Nguyễn Thành Hưng (trú tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội; nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy Tiên) có hành vi móc nối, lôi kéo nhiều đối tượng tham gia. Từ năm 2008 - 2011, bị cáo đứng ra thành lập 13 công ty và làm dịch vụ vay vốn ngân hàng cho 3 pháp nhân khác.

Lời khai của một số bị cáo cho thấy, hầu hết các công ty của Hưng, hoặc Hưng tham gia, không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào. Sự ra đời của các công ty này chỉ nhằm mục đích chính là vay tiền ngân hàng. Các bị cáo cố tình nâng khống vốn điều lệ công ty lên hàng chục lần nhằm tăng quy mô hoạt động, để được vay vốn số tiền lớn. Tiền vay được, Hưng “đổ vào” kinh doanh bất động sản và cho vay nặng lãi.

Theo hồ sơ vụ việc, từ tháng 3/2008 đến tháng 10/2011, Hưng cùng đồng phạm sử dụng 16 pháp nhân làm giả giấy tờ, hợp thức hồ sơ vay ngân hàng 1.016 tỷ đồng bằng 149 hợp đồng tín dụng. Trong đó, có 123 hợp đồng có tài sản bảo đảm bằng bất động sản, 6 hợp đồng bảo đảm bằng xe ôtô hình thành từ vốn vay và 20 hợp đồng bảo đảm bằng hàng hóa sắt thép không có thật.

Đến ngày khởi tố vụ án (2/2/2012), khoản vay còn dư nợ 53 hợp đồng, với số tiền 412 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc 382 tỷ đồng, nợ lãi 29,6 tỷ đồng; tài sản bảo đảm có 81 bất động sản, 9 xe ôtô và 3 lô thép khống.

Đối với 3 hợp đồng tín dụng bảo đảm bằng lô thép khống (9,8 tỷ đồng), Nguyễn Thành Hưng bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

50 hợp đồng tín dụng còn lại có tài sản bảo đảm thật, nhưng bị Nguyễn Thành Hưng “bắt tay” với cán bộ ngân hàng “phù phép” nhiều nội dung như báo cáo tài chính, phương án kinh doanh, hợp đồng mua bán...

Một số tài sản hình thành từ vốn vay như ôtô Lexus LX570, Toyota Innov, Corola Altis, Toyota Prado... đã không được đưa vào sản xuất - kinh doanh. Thậm chí, Nguyễn Thành Hưng đem rao bán 1 ôtô đang thế chấp ngân hàng.

Còn phần lớn bất động sản (62/81) là của bên thứ ba đưa vào thế chấp bảo lãnh các khoản vay của 16 công ty. Số bất động sản còn lại thuộc sở hữu của Nguyễn Thành Hưng và giám đốc các công ty vay vốn. Các cá nhân này tự nguyện giao cho Hưng mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn.

Liên quan đến 50 hợp đồng nêu trên, cơ quan điều tra xác định, ngân hàng và các chủ tài sản chưa xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm. Do đó, chưa có căn cứ để tính thiệt hại nhằm xem xét trách nhiệm hình sự. Viện kiểm sát nhân dân Tối cao quyết định không xem xét trách nhiệm hình sự đối với các cán bộ ngân hàng giải quyết cho vay các hợp đồng trên. Tuy nhiên, việc xử lý tài sản bảo đảm đối với các hợp đồng này không được đề cập, khiến ngân hàng băn khoăn, lo ngại.

Sau khi xem xét, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên án và dành quyền khởi kiện bằng vụ án dân sự cho bên vay, ngân hàng hoặc chủ tài sản, nếu phát sinh tranh chấp đối với hợp đồng thế chấp.

Thực tế cho thấy, với bất động sản bảo đảm khoản vay là của bên thứ ba, ngân hàng gặp không ít khó khăn và rủi ro trong việc xử lý, phát mại tài sản để thu hồi vốn.

Nguyên tắc của pháp luật là cá thể hóa trách nhiệm hình sự. Cán bộ ngân hàng sai phạm đến đâu sẽ bị xử lý đến đó, nhưng hậu quả mà ngân hàng phải gánh chịu là rất lớn.

Tòa án nhân dân TP. Hà Nội vừa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thành Hưng mức án 23 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức. 15 bị cáo còn lại (4 cựu cán bộ ngân hàng) giữ vai trò đồng phạm lĩnh mức án từ 24 tháng đến 15 năm tù. 

Tin cùng chuyên mục