Huy động tổng lực để đạt các chỉ tiêu kinh tế

(BĐT) - Tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2016, tất cả các ngành, các cấp cần huy động tổng lực với tinh thần quyết liệt để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế năm 2016 và triển khai các nhiệm vụ kinh tế trọng tâm năm 2017.
Các thành viên Chính phủ đánh giá, kinh tế tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2016 tiếp tục chuyển biến tích cực. Ảnh: Thống Nhất
Các thành viên Chính phủ đánh giá, kinh tế tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2016 tiếp tục chuyển biến tích cực. Ảnh: Thống Nhất

Bắt tay triển khai kế hoạch ngay từ ngày đầu năm

Thông tin về kết quả Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016, Người phát ngôn Chính phủ cho biết, các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá, kinh tế tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2016 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, trên đà phục hồi.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng tăng 7,3% so với cùng kỳ 2015. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 7,6% (cùng kỳ năm ngoái là 8,3%). Đến ngày 15/11/2016, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 852,795 nghìn tỷ đồng, bằng 84,1% dự toán năm (cùng kỳ năm ngoái đạt 88,6% dự toán); tổng chi ngân sách nhà nước đạt 80,5% dự toán. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt 18,103 tỷ USD. Có 2.240 dự án FDI cấp mới, 1.075 lượt dự án tăng vốn. Tổng vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài trong 11 tháng đầu năm giải ngân đạt 3,25 tỷ USD. Các chỉ tiêu về tiền tệ tăng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thanh khoản của thị trường vẫn tốt... Đáng mừng là đến nay, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại đều gia tăng.

Tháng 12, tất cả các cấp, các ngành phải tập trung nỗ lực để đạt được tăng trưởng quý IV từ 7,1 - 7,3% để cả năm tăng trưởng từ 6,3 đến 6,5%, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết, tại Phiên họp, Thủ tướng “đã nhắc đi nhắc lại” rằng các bộ, ngành, địa phương phải tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển…

Về triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải bắt tay vào việc ngay từ đầu năm, không để tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Đặc biệt, Chính phủ kiên quyết không không để kéo dài tình trạng giao vốn. “Hàng năm việc giao vốn rất chậm, nhưng năm nay (trong tháng 11/2016) đã giao toàn bộ dự toán và thông báo vốn dự án của năm 2017 cho các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty để các đơn vị triển khai thực hiện”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin. 

Sẽ hoàn thành dự toán thu - chi ngân sách

Về triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải bắt tay vào việc ngay từ đầu năm, không để tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
Đề cập về thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng trong tháng 11 và 11 tháng đầu năm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin, các cân đối về tiền tệ cơ bản ổn định, đúng hướng. Tín dụng tiếp tục tăng trưởng đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Đến ngày 22/11/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 14,92%, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 14,03%. Mặt bằng lãi suất diễn biến giảm dần, có lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. “Mặc dù tỷ giá tháng 11/2016 biến động do tâm lý đồng USD tăng so với một số đồng tiền khác, nhưng thanh khoản của thị trường vẫn tốt, nhu cầu tín dụng vẫn đáp ứng được yêu cầu”, ông Dũng khẳng định.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, mức tăng trưởng tín dụng 14,03% hiện nay hoàn toàn đáp ứng yêu cầu đặt ra cho phát triển kinh tế. Ông Tú cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm 2016 ở mức 17 - 18% là hợp lý. Trong tháng cuối năm, dòng vốn sẽ tiếp tục định hướng vào 5 lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là các gói chính sách khắc phục khó khăn do thiên tai, môi trường…

Trả lời câu hỏi liệu các chỉ tiêu về thu chi ngân sách năm nay có khả thi, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, với tiến độ này, chúng ta sẽ đạt dự toán giao. Hiện nay, phần thu của ngân sách địa phương khá hơn, phần thu của Trung ương có khó khăn hơn do ảnh hưởng của giá dầu. Trong tháng còn lại của năm nay, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để thu ngân sách bảo đảm mục tiêu Quốc hội giao. Bên cạnh đó, Bộ cũng triển khai các giải pháp tăng cường biện pháp chống thất thu, chống buôn lậu hàng giả, thắt chặt triệt để chi thường xuyên.

Về vấn đề khoán xe công, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, hiện Bộ khoán kinh phí dựa trên thực tế. Cụ thể, đối với thứ trưởng và các chức danh tương đương, Bộ thực hiện khoán chi phí đưa đón từ nhà đến cơ quan và ngược lại từ cơ quan về nhà, theo đơn giá taxi trên địa bàn Hà Nội. Do đó, có những người chỉ hết 2 - 3 triệu đồng/tháng. Ông Hải cho biết thêm, qua thực tiễn thực hiện tại Bộ Tài chính, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ sửa đổi chế độ sử dụng xe công theo hướng đẩy mạnh khoán, từ đó giảm mạnh đầu xe công, tiết giảm chi phí.

Tại Phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xác định chính xác tổng nợ công, bao gồm đầy đủ tất cả các khoản tạm ứng, vay Quỹ Bảo hiểm xã hội, nợ đọng xây dựng cơ bản…; đồng thời có kế hoạch, lộ trình cụ thể thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công. Ngân hàng Nhà nước khẩn trương đề xuất, hoàn thiện khung pháp lý xử lý nợ xấu, trong đó có vấn đề tài sản bảo đảm; có giải pháp cụ thể nâng cao năng lực của VAMC và phát triển thị trường mua bán nợ; tăng cường hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát, không để tình trạng nợ xấu đến mức nguy hiểm, ngân hàng đến bờ vực phá sản rồi mới xử lý...    

Tin cùng chuyên mục