Mô hình tăng trưởng của Việt Nam được dịch chuyển theo hướng tích cực, lấy công nghiệp, chế biến, chế tạo và dịch vụ làm nòng cốt. Ảnh: Lê Tiên |
Cụ thể, IMF dự báo các nền kinh tế đang phát triển mạnh tại Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng GDP trên 5% trong năm 2018 và 2019.
Đối với Việt Nam, IMF dự báo nền kinh tế nước ta sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm nay và duy trì mức 6,5% trong năm 2019. Trước đó, trong năm 2017, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn của kinh tế thế giới và khu vực, song kinh tế Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng 6,81%, cao nhất trong 10 năm qua.
Cùng với tốc độ tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam cũng được cải thiện, năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2017 tăng khoảng 6%. Mô hình tăng trưởng được dịch chuyển theo hướng tích cực, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên (nhất là dầu thô) và chuyển hướng sang lấy công nghiệp, chế biến, chế tạo và dịch vụ làm nòng cốt. Năm 2018, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng đạt 6,7%, lạm phát bình quân khoảng 4%.
IMF cũng dự báo kinh tế châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 6,5% trong giai đoạn 2018 - 2019, là đầu tàu tăng trưởng quan trọng nhất toàn cầu. Kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ sẽ lần lượt tăng trưởng ở mức 6,6% và 7,4% trong năm 2018, trong khi các con số này vào năm 2019 lần lượt là 6,4% và 7,8%.
Ngược lại với xu hướng đi lên này, tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Balkan được dự báo sẽ giảm từ mức 5,8% năm 2017 xuống còn 4,3% trong năm 2018 và 3,7% năm 2019…