Tàu cá Indonesia cập cảng Banda Aceh, tháng 3/2016 - Ảnh: EPA. |
Indonesia đã phát tín hiệu về một lập trường cứng rắn hơn đối với hoạt động xâm nhập của tàu cá Trung Quốc vào vùng biển của nước này, nói rằng sự xâm nhập đó có vẻ như là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng tuyên bố chủ quyền trên biển Đông - Bloomberg đưa tin.
Tuần trước, hải quân Indonesia đã bắt giữ một tàu cá Trung Quốc gần quần đảo Natuna và bắt giữ 7 ngư dân sau khi bắn cảnh cáo, Ngoại trưởng nước này Retno Marsudi cho biết.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói những ngư dân này chỉ hoạt động ở “ngư trường truyền thống của Trung Quốc”, nơi “Trung Quốc và Indonesia có tuyên bố chồng lấn về quyền hàng hải và lợi ích”.
“Chúng tôi nghi ngờ rằng đây là hoạt động có tổ chức vì họ được bảo vệ. Như vậy có nghĩa là hoạt động này được Chính phủ [Trung Quốc] hậu thuẫn”, Chuẩn đô đốc A. Taufig R., chỉ huy hạm đội phía Tây của Indonesia, phát biểu trước báo giới ngày 21/6 tại Jakarta.
Ông Taufig nói phía Indonesia chỉ bắn cảnh cáo con tàu cá khi con tàu từ chối dừng và không có ai bị thương cả.
“Và đó là lý do vì sao mà Trung Quốc phản đối. Họ cho rằng khu vực đó là của họ”, ông Taufig nói.
Theo ông Taufig, đã có nhiều tàu cá Trung Quốc bị phát hiện xâm nhập vào khu vực trên trong năm nay. “Chúng tôi cần phải giải quyết vấn đề này. Nếu không, họ sẽ đơn phương tuyên bố vùng biển đó là của họ”, vị chỉ huy nói.
Phản ứng công khai của Jakarta trước sự hiện diện của tàu cá cùng tàu hải cảnh Trung Quốc gần quần đảo Natuna đặt ra khả năng Indonesia sẽ chính thức trở thành một quốc gia Đông Nam Á có mâu thuẫn với Bắc Kinh về vấn đề biển Đông.
Tháng 3 vừa qua, Indonesia cũng đã bắt giữ ngư dân của một tàu cá Trung Quốc trong một vụ đụng độ có liên quan tới một tàu hải cảnh Trung Quốc.
“Chúng ta sẽ bắt đầu chứng kiến Indonesia đánh giá lại chính sách của họ về tranh chấp trên biển Đông nói chung, nhưng sẽ chưa thực sự có chính sách mới ngay. Tôi cho rằng Indonesia ít nhiều vẫn không muốn khiến Trung Quốc nổi giận”, ông Aaron Connelly, nhà nghiên cứu thuộc Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney, Australia, nhận định.
Theo ông Connelly, về phần mình, Trung Quốc cũng đã lần đầu tiên đề cập đến tranh chấp với Indonesia về lãnh hải trên biển Đông. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia và là một quốc gia đầu tư lớn vào Indonesia.
Indonesia không phải là một bên tuyên bố chủ quyền chính thức trên biển Đông và vốn dĩ tỏ thái độ trung lập trong vấn đề này, cho dù Tổng thống nước này Joko Widodo trở nên khá mạnh dạn trong việc bắt giữ tàu cá và thậm chí trong một số trường hợp cho nổ tàu cá của Trung Quốc.
Hồi tháng 4 năm nay, Indonesia nói sẽ triển khai chiến đấu cơ F-16 do Mỹ sản xuất tới Natuna để ngăn chặn “những kẻ trộm cắp”.
Những cuốn hộ chiếu của Trung Quốc cấp vào năm 2012 cho thấy đường hải giới vượt qua vùng đặc quyền kinh tế mà Indonesia suy ra từ quần đảo Natuna - khu vực có thể có một trữ lượng lớn khí đốt và các nguồn năng lượng khác.
Dự kiến, tòa án trọng tài thường trực quốc tế ở The Hague, Hà Lan sắp ra phán quyết trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về biển Đông.
Chỉ huy Taufiq của Indonesia nói rằng Trung Quốc có thể tăng cường hiện diện trên biển Đông trước khi tòa án trên ra phán quyết nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển này.
“Tôi không biết họ [Trung Quốc] nghĩ gì, nhưng logic ở đây là do kết quả mà tòa án sẽ công bố. Họ muốn thể hiện rằng ‘chúng tôi ở đây’”, ông Taufiq phát biểu.
Theo số liệu mà Bloomberg đưa ra, trong mấy năm gần đây, Trung Quốc đã bồi lấp trái phép 1.300 ha diện tích đảo nhân tạo tại 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa trên biển Đông, nằm ở phía Đông Bắc quần đảo Natuna. Trung Quốc cũng đã hoàn thành một đường băng quân sự tại một trong số những đảo nhân tạo này.
Ngoài ra, tàu hải cảnh Trung Quốc đã tăng cường hoạt động tuần tra nhằm bảo vệ các tàu cá của nước này. Hồi tháng 3, Bộ Ngoại giao Malaysia đã triệu đại sứ Trung Quốc để bày tỏ lo ngại về sự xâm lấn của những con tàu mang cờ Trung Quốc.