IPO Vinafood 2 liệu có thành công?

(BĐT) - Ngày 14/3 tới, Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) sẽ chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 114,8 triệu cổ phần, tương đương gần 23% vốn điều lệ, với mức giá khởi điểm 10.100 đồng/CP. 
Vinafood 2 đang phải nỗ lực thoát khỏi cảnh nợ nần, thua lỗ do kinh doanh không hiệu quả. Ảnh: Sa Nam
Vinafood 2 đang phải nỗ lực thoát khỏi cảnh nợ nần, thua lỗ do kinh doanh không hiệu quả. Ảnh: Sa Nam

Mặc dù là doanh nghiệp có quy mô lớn và đang quản lý quỹ đất nông nghiệp “khủng”, nhưng tình hình tài chính kém khả quan có thể là rào cản cho đợt IPO này của Vinafood 2.

Kinh doanh kém hiệu quả

Vinafood 2 là đơn vị giữ vai trò chính trong việc đàm phán, bán hàng với các nước nhập khẩu gạo, cũng như mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu cho hạt gạo Việt. Mặc dù vậy, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này trong những năm gần đây lại không mấy tích cực.

Báo cáo tài chính bán niên 2017 của Vinafood 2 cho biết, doanh thu thuần đạt 4.432 tỷ đồng, giảm 30% so với 6 tháng đầu năm 2016. Lợi nhuận gộp chỉ đạt 200 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ năm 2016. Với kết quả này biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 4,5%. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Vinafood 2 lỗ ròng tới 118 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế tại thời điểm 31/06/2017 là 912 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý II/2017, tổng tài sản Vinafood 2 là 5.121 tỷ đồng, trong đó tổng nợ phải trả là 4.913 tỷ đồng, chiếm gần 96% tổng tài sản. Chiếm 77% tổng nợ phải trả là vay nợ ngắn hạn (đạt 3.770 tỷ đồng). Điều này cho thấy những rủi ro về việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ đến hạn của Tổng công ty trong thời gian tới.

Theo bản công bố thông tin chào bán cổ phiếu của Vinafood 2, phát hành ngày 2/2/2018, khả năng thu hồi nợ của Vinafood 2 cũng bị đặt nhiều dấu hỏi. Doanh nghiệp này có số nợ phải thu tồn đọng hơn 1.042 tỷ đồng. Trong đó, 437 tỷ đồng nợ phải thu đang trong quá trình xem xét của cơ quan điều tra liên quan đến Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Võ Thị Thu Hà, Công ty CP Tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum, Công ty CP Lương thực Hậu Giang. Kết quả thu hồi phần lớn khoản nợ này phụ thuộc phán quyết của cơ quan pháp luật có thẩm quyền.

Ngoài ra, Vinafood 2 còn tồn tại khoản nợ phải thu 31,3 tỷ đồng đã có bản án, đang trong quá trình thi hành án; khoản nợ phải thu 9,4 tỷ đồng đã khởi kiện đang chờ xét xử và khoản nợ 13,6 tỷ đồng khách nợ đã ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế/rời khỏi nơi cư trú/khách nợ không còn tài sản để thi hành án. Đáng chú ý khoản nợ phải thu từ Cuba có giá trị 551,4 tỷ đồng. Đây là khoản nợ tồn đọng phải thu bán gạo trả chậm cho Cuba phát sinh trong giai đoạn 1993 - 1996. Công ty cho biết, khoản nợ này đã được ngân sách nhà nước ứng vốn thanh toán. Tuy nhiên, Vinafood 2 vẫn phải theo dõi trên báo cáo tài chính hàng năm dưới dạng phải thu Cuba và phải trả ngân sách nhà nước.

Mặc dù tháng 2/2018 đã gần trôi qua và thời điểm đấu giá đang đến gần, nhưng Vinafood 2 vẫn chưa công bố báo tài chính quý IV/2017. Điều này cũng phản ánh phần nào tính minh bạch của một doanh nghiệp đang muốn trở thành công ty đại chúng. 

Điểm cộng quỹ đất

Theo Vinafood 2, doanh nghiệp này mới nhận được duy nhất hồ sơ đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược từ Công ty CP Tập đoàn T&T. Theo phương án cổ phần hoá, để sở hữu 25% vốn điều lệ của Vinafood 2, T&T phải chi tối thiểu hơn 1.260 tỷ đồng. Trước đây, T&T cũng đầu tư vào nhiều doanh nghiệp nông lâm thủy sản như: Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Tổng công ty Rau quả nông sản (Vegetexco); Unimex Hà Nội - một đơn vị thành viên của Hapro, chuyên kinh doanh nông sản. Mới đây Tập đoàn T&T đã thành lập doanh nghiệp chuyên đầu tư nông nghiệp công nghệ mang tên T-Vita.
Một điểm hấp dẫn của Vinafood 2 là diện tích đất nông nghiệp doanh nghiệp này đang quản lý và sử dụng. Theo phương án sử dụng đất của Vinafood 2 sau cổ phần hóa, doanh nghiệp này đang quản lý và sử dụng 132 cơ sở nhà, đất (gồm có 174 thửa) với tổng diện tích hơn gần  214 ha. Trong đó, Vinafood 2 đã nhận được sự đồng ý về phương án sử dụng đất cho 110/132 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích 201,2 ha và 5/132 cơ sở nhà, đất (tổng diện tích 3,7 ha) chưa được thống nhất do địa phương đề nghị chuyển từ giao đất có thu tiền sử dụng đất sang thuê đất trả tiền hàng năm. Còn lại 17/132 cơ sở nhà, đất (tổng diện tích 8,98 ha) tại TP.HCM, Vinafood 2 chưa nhận được văn bản trả lời về phương án sử dụng đất.

Mặc dù có quỹ đất lớn nhưng thành công của đợt IPO Vinafood 2 bị đặt ra nhiều dấu hỏi khi nhìn từ thương vụ bán vốn thất bại của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) vừa qua. VRG có tình hình tài chính khả quan hơn cùng với quỹ đất nông nghiệp (lên tới hơn 239,5 nghìn ha) lớn hơn rất nhiều so với Vinafood 2. Mặt khác, hàng loạt thương vụ IPO quy mô lớn vừa diễn ra đã hút lượng tiền không nhỏ của nhà đầu tư.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán đầu năm 2018 cũng cho thấy sự phân hóa rõ rệt về đích đến của các nhà đầu tư. Trong khi cổ phiếu của các ngành dịch vụ, tài chính, bất động sản, vận tải, giáo dục, y tế… tăng trưởng thì cổ phiếu ngành nông nghiệp, chế biến thủy hải sản, lương thực - thực phẩm, mía đường, cao su, khoáng sản không biết mùi vị tăng giá, thậm chí còn giảm.

Tin cùng chuyên mục