Kết nối Sân bay Long Thành: Cần đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự kiến cuối năm 2026, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác. Để bảo đảm hiệu quả khai thác cảng hàng không quốc tế có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 5,45 tỷ USD này, các cơ quan hữu trách đang gấp rút hoạch định phương án tốt nhất kết nối với các địa phương lân cận, đặc biệt là TP.HCM.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây quy mô 4 làn xe đã mãn tải, cần sớm được mở rộng. Ảnh: Lê Tiên
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây quy mô 4 làn xe đã mãn tải, cần sớm được mở rộng. Ảnh: Lê Tiên

Hiện nay, để kết nối với khu vực Sân bay Long Thành, các tỉnh khu vực phía Nam đều phải đi qua địa bàn TP.HCM và Đồng Nai với 2 tuyến giao thông hiện hữu là cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Quốc lộ 51. Điều đáng lo ngại là hai tuyến đường này hiện có lưu lượng phương tiện rất lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài. Do vậy, để phát huy hiệu quả của Sân bay Long Thành, việc hoạch định phương án kết nối hiện là nhiệm vụ gấp rút. Trong đó, các phương án kết nối với Sân bay Tân Sơn Nhất là quan trọng nhằm phát huy tối đa năng lực của 2 cảng hàng không trong vùng động lực Đông Nam Bộ.

Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải thuộc Bộ Giao thông vận tải, dự báo nhu cầu vận tải của Sân bay Long Thành sẽ tăng nhanh chóng. Theo đó, tới năm 2030, nhu cầu qua cảng hàng không này đạt khoảng 26,8 triệu lượt hành khách và hơn 367 nghìn tấn hàng hóa/năm. Tới năm 2050, sẽ tăng lên khoảng 82,3 triệu lượt hành khách và 1,6 triệu tấn hàng hóa/năm. Bên cạnh đó, theo kế hoạch, Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tiếp tục được khai thác lâu dài và cùng với Sân bay Long Thành tạo thành một cặp cảng hàng không hỗ trợ khai thác lẫn nhau, đáp ứng cho nhu cầu vận chuyển hàng không tại TP.HCM cũng như một phần khu vực phía Nam. Do đó, một trong những yêu cầu có tính cấp bách là phải tổ chức kết nối giao thông thuận tiện giữa 2 sân bay này.

Mới đây, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải đã đề xuất 5 phương án kết nối tổng thể giao thông giữa 2 sân bay, trong đó có 2 phương án kết nối bằng đường bộ và 3 phương án kết nối bằng đường sắt.

Cụ thể, phương án 1, kết nối đường bộ đi trên mặt đất và đi ngầm đoạn từ nút giao Cộng Hòa đến hết đường Phạm Văn Đồng. Từ đường Phạm Văn Đồng có 3 hướng kết nối về Sân bay Long Thành.

Phương án 2, kết nối đường bộ từ Sân bay Tân Sơn Nhất đi theo các tuyến đường đô thị. Phương án này cũng có 3 hướng kết nối với Long Thành.

Phương án 3 là kết nối Sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Long Thành qua tuyến đường sắt đô thị số 6 và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành chiều dài khoảng 45 km.

Phương án 4, kết nối Sân bay Tân Sơn Nhất đến Sân bay Long Thành bằng tuyến đường sắt đô thị số 2 và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành khoảng 43 km.

Phương án 5, kết nối 2 sân bay bằng tuyến đường sắt đô thị số 4 kết nối vào tuyến đường sắt đô thị số 2 đến Thủ Thiêm và với tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành chiều dài khoảng 42 km.

Nhận xét về các phương án trên, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, việc tính toán các phương án kết nối giữa các tỉnh, thành phía Nam nói chung, giữa Sân bay Tân Sơn Nhất với Sân bay Long Thành nói riêng là rất cần thiết nhưng cần đặt trong bức tranh tổng thể để khai thác hiệu quả các công trình giao thông đã và đang được đầu tư. Về 5 phương án kết nối đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến, lãnh đạo VLA cho rằng, cần thúc đẩy các phương án kết nối bằng đường bộ bởi có tính khả thi và thời gian triển khai đầu tư nhanh, sớm giải quyết được bài toán kết nối.

Theo lãnh đạo VLA, hiện các dự án đường bộ trục ngang như Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Vành đai 3 - TP.HCM đang được triển khai. Đặc biệt, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được mở rộng cùng loạt dự án lớn như TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Vành đai 4 - TP.HCM sẽ được triển khai trong thời gian tới. Khi các dự án này hoàn thành đầu tư sẽ tạo kết nối giao thông liên vùng thông suốt, trong đó bài toán kết nối liên vùng với Sân bay Long Thành cũng được giải quyết. Các phương án kết nối bằng đường sắt giữa Sân bay Tân Sơn Nhất với Sân bay Long Thành cần được nghiên cứu tính toán kỹ, bởi suất đầu tư cao và cần nhiều thời gian do phương án mới nằm trong quy hoạch.

Tin cùng chuyên mục