GDP của quý I/2016 bị tác động lớn bởi chính sách tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục. Ảnh: LTT |
Xây dựng tăng trưởng ấn tượng
Tại buổi Họp báo Công bố số liệu GDP, lao động và việc làm quý I/2016 vừa được Tổng cục Thống kê tổ chức, cơ quan này cho biết, trong 3 tháng đầu năm, xây dựng là ngành có mức tăng trưởng cao nhất với mức tăng 9,94% - một kết quả được đánh giá là “ấn tượng” và cao nhất kể từ năm 2010 trở lại đây.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt trên 23%; khu vực doanh nghiệp nhà nước có tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 11%.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) đánh giá, trong quý này, hầu hết các công trình xây dựng có tốc độ triển khai khá tốt; giá trị sản xuất hoạt động xây dựng các công trình kỹ thuật dân dụng đạt tăng trưởng cao nhất, trên 12%; giá trị sản xuất của công trình nhà không để ở tăng trên 11%; hoạt động xây dựng chuyên dụng và công trình nhà ở có mức tăng về giá trị sản xuất tương ứng là 6% và 8,4%.
Kết quả hoạt động xây dựng đạt khá do vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội (giá hiện hành) quý I/2016 tăng trưởng cao, đạt 10,7% và khá đồng đều ở cả 3 khu vực (khu vực nhà nước đạt mức tăng 7,8%, khu vực ngoài nhà nước tăng 11,5% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,5%).
Ngoài ra, theo TCTK, hầu hết đầu tư từ các nguồn vốn đều có sự gia tăng. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn vay của khu vực nhà nước được triển khai thực hiện khá tốt với mức tăng lần lượt là 11,5% và 12,9%; vốn đầu tư thực hiện từ dân cư và đầu tư nước ngoài cũng tăng trên 13%; vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước cũng tăng 7%. Chỉ có vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu chính phủ là giảm 3,6%, đạt 96,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng chững lại?
Quý I/2016 là quý khởi đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, vì vậy tốc độ tăng trưởng kinh tế của quý này được coi sẽ tạo động lực và khích lệ cho toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện tại, nền kinh tế nước ta lại đang đứng trước không ít trở ngại và thách thức mà phần nhiều nguyên nhân đến từ các lý do khách quan như kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2016 vẫn khó khăn với diễn biến kinh tế phức tạp, tốc độ tăng trưởng tiếp tục giảm sút, tình hình tài chính, tiền tệ quốc tế và giá dầu biến động khó lường.
Quý I/2016, tổng sản phẩm trong nước tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này cho thấy dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,9% của năm 2011, chỉ cao hơn cùng kỳ các năm 2012, 2013 và 2014.
Trong đó, khu vực nông, lâm và thủy sản có giá trị tăng thêm đạt 98,77% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Khu vực công nghiệp và xây dựng có giá trị tăng thêm khoảng 6,72% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2013 và 2014 nhưng lại thấp hơn nhiều mức tăng 8,74% của cùng kỳ năm 2015. Khu vực dịch vụ có giá trị tăng thêm tăng 6,13% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ quý I/2012 tới nay.
Phân tích kỹ những số liệu này, ông Nguyễn Bích Lâm cảnh báo, nếu khu vực nông, lâm và thủy sản có sự tăng trưởng thấp, gặp khó khăn như hiện nay thì nhiều khả năng mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,7% trong năm nay khó có thể thực hiện được. Chưa kể giá dầu dự báo sẽ có những diễn biến rất khó lường, TCTK chỉ đưa ra kịch bản khai thác dầu, còn số lượng khai thác thực tế vẫn phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Theo nhận định của ông Nguyễn Bích Lâm, chỉ số GDP của quý I/2016 bị tác động lớn bởi chính sách tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục. “Cuối năm 2015, chúng tôi cũng đã lường trước vấn đề này. Tuy nhiên, chúng ta không thể không đưa giá dịch vụ theo sát với cơ chế thị trường. Chính phủ cũng đã có những tính toán riêng và sẽ có chính sách hỗ trợ để đảm bảo an sinh xã hội trước những tác động của việc tăng giá dịch vụ”, ông Lâm thông tin.