Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương với tổng vốn đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng, được triển khai xây dựng gần 10 năm nhưng vẫn chưa thể đưa vào hoạt động. Ảnh: Lê Công Ảnh |
Công trình xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương có quy mô 1.500 giường, tổng mức đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng. Công trình trọng điểm này được khởi công năm 2014 và dự kiến hoàn thành, đưa vào hoạt động năm 2016. Tuy nhiên, quá trình triển khai đầu tư, công trình có thời điểm ngừng thi công nhiều năm liền và tới nay, sau nhiều lần gia hạn tiến độ vẫn chưa thể hoàn thành.
Nguyên nhân chậm tiến độ được tỉnh Bình Dương chỉ ra do khó khăn giải phóng mặt bằng (GPMB), chia nhỏ dự án, chuẩn bị đầu tư không tốt nên khi thực hiện phát sinh nhiều vấn đề phải điều chỉnh và hiện tại là vướng mắc trong mua sắm trang thiết bị. Tới nay, khối lượng thực hiện toàn Dự án đạt hơn 90%. Trước đó, ngày 3/12/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra công trình và yêu cầu tăng tốc thi công, bảo đảm đưa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương vào hoạt động năm 2023.
Một công trình trọng điểm khác cũng rơi vào tình trạng “đứng hình” là Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ. Công trình có quy mô 500 giường, có tổng mức đầu tư khoảng 1.728 tỷ đồng từ vốn vay ODA của Chính phủ Hungary và vốn đối ứng của TP. Cần Thơ. Sau hơn 5 năm khởi công (khởi công ngày 11/10/2017) công trình vẫn chưa xong.
Theo thông tin của Sở Y tế TP. Cần Thơ (Chủ đầu tư), nguyên nhân chậm tiến độ là do thay đổi nguồn gốc hàng có xuất xứ Hungary và điều chỉnh trang thiết bị y tế chuyên dùng, thuế VAT của gói thầu EPC, chi phí thông quan hàng hóa, chi phí phát sinh lưu kho bãi… Vì chậm tiến độ, công trình được điều chỉnh thời gian thực hiện đến hết ngày 31/12/2026. Tuy nhiên, Hiệp định vay của Dự án đã hết hạn vào ngày 11/7/2022. Hợp đồng EPC hết hiệu lực từ ngày 10/7/2022. Hiện tại, khối lượng thi công Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ đã thực hiện khoảng 253,95 tỷ đồng, tương đương 20% hợp đồng EPC. Để tiếp tục triển khai Dự án, phải tiến hành đàm phán với nhà tài trợ về Hiệp định khung và Hiệp định vay mới. Sau đó, TP. Cần Thơ phải tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện phần khối lượng công việc còn lại của hợp đồng EPC theo quy định. Rất khó tiên lượng về quá trình thực hiện và kết quả các thủ tục vừa nêu, nên tương lai công trình Bệnh viện Ung bướu quan trọng bậc nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long này đang chông chênh.
Nhiều cây cầu “xây mà không hẹn ngày xong” tại TP.HCM gây bức xúc cho người dân vùng dự án. Ảnh: Song Lê |
Một ví dụ khác về sự lãng phí vốn đầu tư công là loạt cây cầu “xây mà không hẹn ngày xong” tại TP.HCM gây bức xúc cho người dân vùng dự án. Đó là các cầu Long Kiểng, Nam Lý, Tăng Long, Long Đại và Bưng, 5 công trình với tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng “trùm mền” nhiều năm qua, chưa biết khi nào hoàn thành. Vướng mắc tại 2 công trình cầu Nam Lý, Tăng Long (TP. Thủ Đức) là ví dụ điển hình về sự yếu kém trong quá trình chuẩn bị đầu tư, khiến dự án “vỡ trận”.
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia xây dựng tại TP.HCM cho biết, thời gian triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án quá dài khiến các căn cứ, điều kiện thực tế thay đổi rất nhiều so với khi lập báo cáo kinh tế kỹ thuật. Giai đoạn thực hiện lại gặp nhiều vướng mắc do phải điều chỉnh thiết kế, tổng mức đầu tư. Có dự án phê duyệt từ năm 2008 nhưng tới 2016 mới khởi công, các yếu tố chi phí đã thay đổi hoàn toàn. Đặc biệt là thủ tục giải phóng mặt bằng rườm rà, triển khai chậm chạp trong khi thị trường bất động sản TP.HCM phát triển nóng, giá đất tăng chóng mặt khiến chi phí đền bù tăng gấp bội, phá vỡ phương án tài chính các dự án đã duyệt.
Trong báo cáo về giải ngân đầu tư công của một số địa phương phía Nam hé lộ nguyên nhân gốc rễ dẫn tới tình trạng nhiều công trình sử dụng vốn đầu tư công dang dở. Đó là chất lượng khâu chuẩn bị đầu tư chưa tốt và quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều khiếm khuyết.
Cụ thể, khâu lập, thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật, báo cáo tiền khả thi, khả thi, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật - dự toán ở nhiều dự án chưa bám sát thực tiễn hoặc chưa dự báo sát thay đổi thực tiễn, dẫn tới khi được quyết định phê duyệt dự án phải điều chỉnh, thay đổi, tốn rất nhiều thời gian. Đặc biệt, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đang vướng mắc, nhất là bước lập, thẩm định, phê duyệt giá đất đền bù vì lực lượng tư vấn vừa thiếu, vừa yếu mà tính chất công việc nhiều rủi ro về pháp lý. Khâu lập kế hoạch và triển khai lựa chọn nhà thầu ở không ít dự án thực hiện chưa tốt, mất nhiều thời gian, để lọt nhà thầu không đủ năng lực dẫn tới quá trình thi công không bảo đảm tiến độ.
Để các dự án đầu tư công có thể triển khai đúng tiến độ và phát huy hiệu quả, theo giới chuyên gia, trước hết phải bảo đảm chất lượng chuẩn bị dự án. Khi chuyển sang giai đoạn thực hiện, cần vai trò, trách nhiệm, ý chí quyết tâm cao của chủ đầu tư cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan hữu trách trong các bước bố trí vốn, tổ chức thi công, quản lý dự án, nghiệm thu, thanh quyết toán…
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính phát biểu: Đầu tư công là "nguồn lực, động lực phát triển". Khối lượng vốn lớn, yêu cầu cao hơn, nếu không có giải pháp phù hợp từ ngày đầu, tháng đầu thì giải ngân sẽ chậm. Dự án đầu tư kéo dài gây lãng phí, đội vốn, ảnh hưởng tới nguồn lực và động lực phát triển. Thủ tướng chỉ đạo chọn đúng nút thắt để xử lý nhanh, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên giải quyết. "Chúng ta dành dụm để có nguồn vốn thì đầu tư phải hiệu quả, chống tiêu cực, lãng phí, tránh đầu tư xong lại triệt tiêu nguồn lực, phải đi kiểm điểm, xử lý", Thủ tướng nói.