Không để sức ỳ cản trở tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những khó khăn, thách thức mới như ảnh hưởng của xung đột quân sự Nga - Ukraine, xu hướng lạm phát toàn cầu tăng cao, chi phí leo thang... tiếp tục tạo ra áp lực nặng nề cho sự phục hồi, phát triển của doanh nghiệp (DN). Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, hơn lúc nào hết, DN càng trông chờ vào những chuyển động tăng tốc từ gói trợ lực phi tài chính mang tên “cải cách môi trường kinh doanh”.
Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do có hiện tượng một số rào cản kinh doanh đã bị bãi bỏ có xu hướng khôi phục lại, một số điều kiện kinh doanh mới được bổ sung. Ảnh: Song Lê
Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do có hiện tượng một số rào cản kinh doanh đã bị bãi bỏ có xu hướng khôi phục lại, một số điều kiện kinh doanh mới được bổ sung. Ảnh: Song Lê

Khó khăn vẫn bủa vây

Kinh tế Việt Nam 7 tháng đầu năm 2022 tiếp tục hồi phục tích cực song còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức trong thời gian tới. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, số DN thành lập mới, quay trở lại thị trường tăng đáng kể nhưng tỷ lệ DN giải thể, dừng hoạt động vẫn còn ở mức cao.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong 7 tháng đầu năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, xuất khẩu thủy sản đạt 6,7 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước với một số mặt hàng chi phối thị trường toàn cầu. Đây là con số đáng khích lệ, song ông Nam cho rằng, nguy cơ, thách thức phía trước cũng không ít, trong đó có vấn đề liên quan đến môi trường kinh doanh.

Theo ông Nam, trên thực tế, một số quy định tại các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật còn tạo thêm thủ tục mới, làm tăng chi phí trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của DN. “Hiện 2 khâu quan trọng của ngành thủy sản là khâu nuôi và chế biến đều ách tắc bởi quy chuẩn kỹ thuật về môi trường”, ông Nam cho biết.

Cụ thể, theo đại diện VASEP, quy định hiện hành và cả trong Dự thảo QCVN do Tổng cục Môi trường chủ trì soạn thảo dự kiến sắp ban hành, ở khâu nuôi đang vướng quy chuẩn môi trường liên quan đến nước thải đầu ra (bị áp chung vào QCVN về nước thải công nghiệp), trong khi chăn nuôi có quy chuẩn riêng. Nhiều chỉ tiêu nước thải công nghiệp thật sự không phù hợp cho nuôi trồng thủy sản, là mức yêu cầu đặt ra các thách thức lớn trong xử lý nước thải nông nghiệp nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng làm giảm tính cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam.

Ở khâu chế biến thủy sản, Dự thảo quy định về ngưỡng chỉ tiêu phospho đối với nước thải chế biến thủy sản sau xử lý quá thấp trong khi thực tiễn chưa có giải pháp công nghệ đáp ứng. “DN thủy sản đang gặp thách thức lớn và chưa tìm ra được công nghệ xử lý”, ông Nam cho biết.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, mức độ quan tâm của các bộ, ngành chưa tương xứng với vai trò, trách nhiệm của bộ, ngành cũng như chưa đáp ứng yêu cầu và sự cần thiết của cải cách môi trường kinh doanh như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng DN kỳ vọng. Theo bà Thảo, trên thực tế, có hiện tượng một số rào cản kinh doanh đã bị bãi bỏ đang có xu hướng khôi phục lại, một số điều kiện kinh doanh (ĐKKD) mới được bổ sung.

Mức độ quan tâm của các bộ, ngành chưa tương xứng với vai trò, trách nhiệm của bộ, ngành cũng như chưa đáp ứng yêu cầu và sự cần thiết của cải cách môi trường kinh doanh như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng DN kỳ vọng.

Bên cạnh đó, nhiều văn bản pháp luật hiện hành chưa bảo đảm tính thống nhất, phù hợp và khả thi, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, tài nguyên… Và đây là nguyên nhân chính làm phát sinh nhiều chi phí cho DN, dẫn đến khó khăn của địa phương trong giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh cho DN.

Cũng chính vì còn có sự chồng chéo, thiếu thống nhất, chưa rõ ràng trong các quy định pháp luật, đặc biệt là quy định pháp luật chưa bảo đảm an toàn cho cán bộ thực thi nên đang có hiện tượng cán bộ, công chức e ngại trách nhiệm cá nhân, dẫn đến giải quyết thủ tục quá chặt chẽ, mất thời gian. Thậm chí, có hiện tượng cán bộ thực thi của cơ quan nhà nước không làm gì để bảo đảm an toàn cho chính mình. “Những hiện tượng này có thể làm xói mòn các kết quả cải cách đã đạt được trong thời gian qua”, bà Thảo lo lắng.

Trong chia sẻ mới đây với báo chí, một lãnh đạo DN tư nhân lớn ở Thanh Hóa không giấu nổi sự sốt ruột: “Chúng tôi không làm được vì nhiều công chức, cơ quan công quyền thực sự không muốn làm, họ lo cho an toàn của chính mình”.

Tăng tốc cải cách đảm bảo mục tiêu tăng trưởng

Việt Nam đang đứng trước những cơ hội phát triển mới. Để đạt mục tiêu tăng trưởng, không thể thiếu vắng sự đóng góp của DN đối với nền kinh tế. Vì thế, để hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, nhóm giải pháp về cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cần được quan tâm và tăng tốc hơn nữa với cả áp lực và động lực.

“Áp lực ở đây là sự chỉ đạo mạnh mẽ hơn từ phía Chính phủ để các bộ, ngành tránh đưa ra những quy định gây khó khăn cho DN, không để sức ỳ cản đà tăng trưởng”, bà Thảo nhấn mạnh. Theo đó, bà Thảo kiến nghị Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, sát sao hơn nữa những nhiệm vụ được giao trong các nghị quyết có liên quan của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đồng thời, cần tạo lập ngay cơ chế để bảo đảm an toàn cho cán bộ thực thi khi giải quyết thủ tục hành chính liên quan tới nhiều lĩnh vực mà văn bản có sự mâu thuẫn, chồng chéo, khác biệt. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cần dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro, hướng tới giúp cho việc thực thi và tuân thủ pháp luật tốt hơn chứ không phải dưới hình thức “bới lông tìm vết”.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên tổ chức đối thoại, trao đổi với người dân và DN để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, để cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó có bãi bỏ ĐKKD, rất cần có một áp lực và một hướng dẫn rất rõ ràng. Bởi theo ông Cung, các bộ, ngành sẽ không bao giờ chủ động rà soát, cắt bỏ ĐKKD, bởi nó là dư địa của cơ chế xin - cho, là dư địa quyền lực.

Ông Cung kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao sức cạnh tranh của DN cũng như nền kinh tế.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2022 vừa diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, liên tục cả trong ngắn và dài hạn để DN phục hồi và phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết, còn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; đồng thời đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến… Còn DN cũng cần đẩy mạnh tái cấu trúc, chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh để nắm bắt cơ hội kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục