Tổng số vốn Samsung đầu tư tại Bắc Ninh lên tới 6,5 tỷ USD. Ảnh: Hoài Đức |
Trong quá trình đó, các dự án FDI đầu tư vào Tỉnh đã tạo nguồn lực để Bắc Ninh thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo tác động lan tỏa, là một động lực để thực hiện mục tiêu xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022 theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương.
Thu hút hơn 16,5 tỷ USD vốn FDI
Trong 8 tháng đầu năm 2018, có 130 dự án FDI mới được Bắc Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư (tăng 16,1% so với cùng kỳ 2017), tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 356,365 triệu USD (tăng 42,1%); 83 dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn đầu tư tăng thêm là 549,395 triệu USD. Lũy kế đến hết tháng 8/2018, toàn Tỉnh có 1.260 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 16.559,232 triệu USD.
Vốn FDI đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các khu công nghiệp tại Bắc Ninh. Tính riêng 8 tháng năm 2018, số dự án cấp mới trong khu công nghiệp là 71 dự án (tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước), tổng vốn đầu tư đạt 324,87 triệu USD (tăng 37,7%); có 72 dự án điều chỉnh vốn với tổng số vốn đầu tư tăng thêm là 533,706 tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 8/2018, các khu công nghiệp của Tỉnh có 854 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh đạt 15.596,323 triệu USD, chiếm 94,5% tổng vốn FDI trên địa bàn Tỉnh.
Về ngành nghề, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào Bắc Ninh 15 trên tổng số 21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực chủ đạo, chiếm 96,1% tổng vốn FDI; hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài chiếm 96,5% tổng vốn FDI đăng ký. Năm 2017, khu vực FDI chiếm 61,4% GRDP, 92,2% giá trị sản xuất công nghiệp và 99,4% kim ngạch xuất khẩu của Bắc Ninh. Khu vực FDI đã giúp nâng vị thế tỉnh Bắc Ninh lên nhóm dẫn đầu cả nước. Cụ thể, GRDP bình quân đầu người đứng thứ 2, giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đứng thứ 2; thu ngân sách nhà nước đứng thứ 10 toàn quốc năm 2017.
Cực tăng trưởng của vùng Thủ đô
Thu hút vốn FDI là một trong các tác nhân phát huy lợi thế so sánh dựa trên phát triển các khu công nghiệp theo hướng hiện đại, thu hút các ngành công nghệ cao. Sức hấp dẫn về thu hút FDI vào Bắc Ninh được chuyển từ lợi thế so sánh tĩnh sang lợi thế so sánh động rất rõ nét, các yếu tố chính bao gồm: vị trí địa lý thuận lợi, chất lượng kết cấu hạ tầng; cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, đáp ứng nguồn nhân lực với chất lượng ngày càng cao; lãnh đạo tỉnh đồng hành, thân thiện.
Sự gia tăng về quy mô của ngành điện tử đi kèm với công nghiệp hỗ trợ là “sự nổi bật nhất trong những điều nổi bật” của kinh tế Bắc Ninh hơn 20 năm qua. Điều này cũng là yếu tố quan trọng nhất để đưa Bắc Ninh từ tỉnh thuần nông khi mới thành lập trở thành tỉnh công nghiệp. Đáng chú ý, ngành công nghiệp điện tử viễn thông của Bắc Ninh đã có sự góp mặt của 3 tập đoàn là Samsung, Microsoft và Canon. Đây là những tập đoàn nổi tiếng thế giới về lĩnh vực công nghiệp điện tử viễn thông và chính các doanh nghiệp của các tập đoàn này đã làm thay đổi và tạo đột phá cho ngành công nghiệp tỉnh Bắc Ninh. Từ đó hình thành cụm ngành điện tử của khu vực phía Bắc, đưa Bắc Ninh trở thành cực tăng trưởng của vùng Thủ đô.
Thu hút vốn FDI đã tạo ra tác động lớn về thu ngân sách, việc làm, phát triển hạ tầng, tạo áp lực trong cải thiện môi trường kinh doanh với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp. Thu hút thêm người nhập cư, tạo sự phát triển về kinh tế đô thị và khởi nghiệp. Các tập đoàn lớn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã giúp hình ảnh Bắc Ninh xuất hiện và trở thành một địa chỉ cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu.
Giai đoạn tiếp theo, sức hút FDI của Bắc Ninh sẽ dựa trên các yếu tố mới về chất lượng dịch vụ và chuỗi cung ứng; sự tham gia của chính quyền địa phương trong các cam kết về trách nhiệm xã hội. Đây là quá trình hiện đại hóa nền kinh tế và thúc đẩy cải cách, nâng cao chất lượng quản trị địa phương.
Tiếp tục phát huy động lực do FDI đem lại, Tỉnh chủ trương thúc đẩy liên kết kinh tế trong nước và khu vực FDI, phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển hạ tầng xã hội, đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát triển dịch vụ cung cấp cho các khu công nghiệp, tăng cường mức độ và hiệu quả tụ hội đô thị. Khu vực FDI đã trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh 20 năm qua và sẽ tiếp tục đồng hành trên chặng đường xây dựng Bắc Ninh trở thành đô thị thông minh, sáng tạo và thịnh vượng.