Khuyến nghị giải pháp hút vốn đầu tư vào ngành điện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thu xếp vốn cho các dự án năng lượng luôn là vấn đề nan giải. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2020 (VBF 2020) với chủ đề “Thách thức và cơ hội trong trạng thái bình thường mới”, các nhóm công tác của VBF cùng các doanh nghiệp đã khuyến nghị nhiều giải pháp để hút vốn đầu tư, nhất là vào những dự án năng lượng quy mô lớn.
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong phát triển năng lượng. Ảnh: Lê Tiên
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong phát triển năng lượng. Ảnh: Lê Tiên

Nhóm công tác điện và năng lượng cũng như Nhóm công tác cơ sở hạ tầng của VBF ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc chú trọng vào năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, năng lượng tái tạo mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng.

“Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này nhằm đảm bảo năng lượng bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế”, Nhóm công tác điện và năng lượng khuyến nghị.

Nhóm công tác điện và năng lượng cho rằng, cần xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư tư nhân vào hoạt động sản xuất năng lượng sạch. Cụ thể, đối với hợp đồng mua bán điện (PPA), cần xây dựng hợp đồng cho các dự án sản xuất điện gió và điện mặt trời có khả năng được cấp vốn bằng cách thiết lập trước cơ chế biểu giá điện hỗ trợ (FIT) và tháo gỡ các quy định chưa hợp lý. Cùng với đó là minh bạch hóa trong quá trình thay đổi biểu giá FIT và khuyến khích thảo luận về các điều chỉnh trong quá trình duyệt quy hoạch tổng thể nhằm giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư…

Liên quan đến giá điện tái tạo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần giữ nguyên trợ cấp cho những đối tượng sử dụng điện ít và Chính phủ vẫn cần ban hành lộ trình giá thị trường cho tất cả các biểu giá khác. Bên cạnh đó, gia hạn giá FIT để các dự án nhà máy điện mặt trời và điện gió được hưởng giá FIT theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg và Quyết định 39/2018/QĐ-TTg.

Để thu hút được dòng vốn vào các dự án điện quy mô lớn đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và các dự án điện độc lập (IPP), Nhóm công tác cơ sở hạ tầng VBF khuyến nghị một số trở ngại cần được tháo gỡ. Trong đó có các trở ngại liên quan đến bảo toàn vốn đầu tư tại các dự án lớn đang trong quá trình phát triển; các thỏa thuận cam kết và bảo lãnh Chính phủ; các bên cho vay không truy đòi cần có bảo đảm về khả năng chuyển đổi ngoại tệ…

Theo Nhóm công tác cơ sở hạ tầng VBF, Việt Nam cần nhiều điện hơn nữa để đáp ứng nhu cầu phát triển. Nếu điện năng không được sản xuất từ than đá, sẽ phải được sản xuất từ khí hoặc nhiên liệu hạt nhân. Những dự án này có thể đòi hỏi chi phí từ 5 - 50 tỷ USD. Để thu hút dòng vốn này, Việt Nam cần phải xem xét các dự án lớn tách biệt với các dự án hạ tầng nhỏ hơn khác.

Lý do của đề xuất này được Nhóm công tác cơ sở hạ tầng VBF chỉ ra là các chính sách để thu hút nhà đầu tư vào một số dự án khí hóa lỏng (LNG) với vốn đầu tư 5 tỷ USD cần khác chính sách đang áp dụng cho một dự án điện mặt trời trị giá 50 triệu USD. Các nhà đầu tư vào dự án hạ tầng trị giá 5 tỷ USD tại Việt Nam cần một số vốn vay lớn từ các bên cho vay dự án và không truy đòi. Các ngân hàng sẽ không cho vay theo hình thức này trừ khi tin rằng họ sẽ thu hồi được khoản vay.

Về băn khoăn của Nhóm công tác cơ sở hạ tầng VBF liên quan đến dự án năng lượng thực hiện theo phương thức PPP đã có kết quả lựa chọn nhà đầu tư tới đây sẽ thực hiện tiếp như thế nào, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT cho biết: “Luật PPP có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 có quy định rõ về nội dung chuyển tiếp”.

Theo ông Trương, Điều 101 Luật PPP quy định, dự án đã có kết quả lựa chọn nhà đầu tư nhưng việc đàm phán được thực hiện sau khi Luật có hiệu lực thì các bên căn cứ vào hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ dự thầu, báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt để tiến hành đàm phán theo quy định của Luật PPP, đảm bảo không làm thay đổi chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt. Các nội dung Luật PPP quy định mà trước đây chưa có hoặc HSMT chưa đề cập thì các bên đàm phán cập nhật các nội dung của Luật kể từ ngày có hiệu lực nhằm đảm bảo hợp đồng ký chặt chẽ, tránh rủi ro cho nhà đầu tư.

Về bảo đảm ngoại tệ, ông Trương cho biết, Luật PPP có những quy định rất cụ thể bảo đảm sự yên tâm cho nhà đầu tư…

Tin cùng chuyên mục