Kích hoạt mạnh mẽ các động lực tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rõ nét đến tình hình kinh tế quý II, với mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Xuất khẩu - động lực tăng trưởng chính - giảm 1,1% trong nửa
đầu năm 2020. Ảnh: Lê Tiên
Xuất khẩu - động lực tăng trưởng chính - giảm 1,1% trong nửa đầu năm 2020. Ảnh: Lê Tiên

Thách thức phía trước là rất lớn khi các động lực tăng trưởng đều gặp khó, thậm chí có động lực bế tắc. Vì thế, phải tận dụng từng cơ hội, từng dư địa với nỗ lực, quyết tâm cao nhất.

Các động lực tăng trưởng đều gặp khó

Kinh tế thế giới được dự báo sẽ xấu đi rất nhiều. Trong báo cáo cập nhật tháng 6/2020, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2020 xuống âm 4,9%, thấp hơn mức dự báo âm 3% hồi tháng 4. Cập nhật tháng 6/2020 của Ngân hàng Thế giới (WB) còn kém lạc quan hơn khi hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2020 xuống còn âm 5,4%, thấp hơn nhiều mức dự báo 2,5% đưa ra hồi tháng 1/2020.

Trong bối cảnh đó, theo ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, nền kinh tế đã chống chọi được ở thời điểm khó khăn nhất, không bị tăng trưởng âm.

Tuy nhiên, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, kinh tế 6 tháng đối mặt với nhiều khó khăn, tác động nặng nề từ dịch Covid-19 trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. Tăng trưởng quý II chỉ đạt 0,36%, dẫn đến tăng trưởng 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1,81% - con số thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho rằng, nếu so sánh với quốc tế thì con số tăng trưởng của Việt Nam không quá bi quan, nhưng nhìn vào thực tại nền kinh tế thì có rất nhiều vấn đề đáng lo lắng. Mặc dù 6 tháng đầu năm đã áp dụng hết các giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ nhưng tăng trưởng vẫn thấp hơn kịch bản thấp nhất đã dự báo.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, các động lực cho tăng trưởng đều rất khó khăn, trong đó có xuất khẩu - động lực tăng trưởng chính. Còn ở trong nước phải kích cầu, nhưng kích cầu đầu tư khó, kích cầu tiêu dùng Chính phủ khó vì chủ trương cắt giảm chi thường xuyên. Do đó phải kích cầu ngoài Nhà nước, nhưng tăng trưởng tín dụng - mạch máu của nền kinh tế - trong 6 tháng đạt rất thấp do nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của khách hàng chững lại. Các hiệp định thương mại đã ký kết cũng chưa thể có tác động thực sự trong năm nay do bối cảnh dịch bệnh trên toàn cầu.

Về dư địa của chính sách tiền tệ, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước phân tích, các nước không sử dụng chính sách tiền tệ thúc đẩy kinh tế, vì sẽ phát sinh bất ổn vĩ mô. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhất quán chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay, nhưng không được hạ chuẩn cho vay vì hạ chuẩn làm phát sinh nợ xấu, gây hệ lụy lớn cho nền kinh tế. Theo ông Quang, tiền của ngân hàng đang thừa, nhưng không cho vay được vì gốc của vấn đề là chất lượng doanh nghiệp thấp, cho vay rủi ro rất lớn trong khi tiền của ngân hàng đa phần là tiền huy động của người dân. Theo thẩm định của các tổ chức tín dụng, rất ít doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có tình hình tài chính lành mạnh, báo cáo tài chính đạt chuẩn, trong khi đây là động lực tăng trưởng, không cho đối tượng này vay được thì không tạo ra công ăn việc làm.

Về chính sách tài khóa, theo ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước thuộc Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước giảm ở cả 3 lĩnh vực chủ chốt: nội địa, xuất nhập khẩu và dầu thô. Các gói tài khóa đã ban hành chưa giải ngân hết vì rất nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện...

Tìm kiếm các dư địa chính sách

Theo Bộ KH&ĐT, hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản đang trở lại trạng thái bình thường, các dự án, công trình được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Vốn đầu tư thực hiện 6 tháng năm 2020 ước đạt 154,4 nghìn tỷ đồng, bằng 33,1% dự toán, tăng mạnh 19,2% so với cùng kỳ năm 2019. Kết quả này là nhờ chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lựa chọn kịp thời và đúng đắn khi xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19.

Theo ông Nguyễn Trung Tiến, nếu giải ngân hết 470 nghìn tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2020 sẽ góp 2 - 3% vào tăng trưởng. Tuy nhiên, vốn đầu tư công là trụ cột, vốn mồi nhưng chưa đủ, cần tập trung thu hút giải ngân tất cả các nguồn vốn. Đây gần như là động lực rõ ràng duy nhất góp phần vào tăng trưởng 6 tháng cuối năm.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định, động lực cuối năm sẽ là những ngành không bị ảnh hưởng bởi xuất khẩu, sản xuất phục vụ thị trường trong nước, một số sản phẩm xuất khẩu thiết yếu không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như nông sản, khẩu trang... và một ngành rất quan trọng nữa là xây dựng. Đặc biệt, phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, dùng mọi biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, vì phải có khối lượng mới có thể giải ngân. Xác định rõ động lực thì khi thiết kế chính sách hỗ trợ có thể nhắm nhiều hơn vào các động lực của nền kinh tế. Đối với chính sách tài khóa, quan trọng nhất là sớm triển khai các chính sách được Quốc hội thông qua. Về chính sách tiền tệ, tiếp tục nghiên cứu giảm lãi suất nhưng phải thận trọng để đảm bảo an toàn vốn, lạm phát.

Đối với chính sách tiền tệ, ông Phạm Chí Quang cho rằng, DN cũng phải tự nâng chuẩn, phải thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ DNNVV, nâng cao vai trò của Quỹ Phát triển DNNVV để hỗ trợ DN, giúp tăng chất lượng khoản vay thì tổ chức tín dụng mới yên tâm giải ngân.

Về mở cửa đón khách du lịch quốc tế, một số ý kiến cho rằng cần kiên quyết không mở cửa, vì nếu để dịch bùng phát lần hai thì cái thu được từ du lịch quốc tế - vốn không lớn vì các nước còn dịch chưa có nhu cầu cao về du lịch - sẽ không thể bù đắp được chi phí chống đỡ dịch, GDP sẽ âm. Trong khi đó, du lịch nội địa phụ thuộc rất lớn vào thời gian học sinh đi học. Vì thế, ngành giáo dục có thể xem xét lùi thời gian khai giảng, nghỉ liền mạch kỳ nghỉ 2/9 để kích cầu du lịch trong năm nay.