Một trong những giải pháp để tăng trưởng bền vững là khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua ưu đãi về tài chính, đất đai... Ảnh: Tiên Giang |
Mục tiêu tăng trưởng 6,7% vẫn là thách thức
Một báo cáo chuyên đề của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia về dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý II/2017 vừa công bố nhận định, năm 2017, tăng trưởng kinh tế sẽ có nhiều khởi sắc khi môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện, qua đó thúc đẩy khu vực sản xuất trong nước. Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (DN) trong quý II và những tháng cuối năm được dự báo sẽ được đẩy mạnh hơn so với quý I do bước vào chu kỳ sản xuất hàng năm, từ đó kích thích khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng nhanh hơn.
Từ các dấu hiệu tích cực nêu trên, Trung tâm đưa ra dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng cao hơn trong các quý tiếp theo của năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016 khi ba động lực hỗ trợ chính là khu vực nông nghiệp, khu vực dịch vụ và khu vực công nghiệp có triển vọng tăng trưởng cao hơn. Tăng trưởng kinh tế quý II có thể ở mức 5,6%; quý III ở mức 6,4%; quý IV ở mức 7,1% và cả năm là 6,2%.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Đặng Đức Anh, Trưởng ban Ban Phân tích và dự báo thuộc Trung tâm, nhấn mạnh: “Mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm 2017 mà Chính phủ đặt ra vẫn là một ngưỡng cao khó để nền kinh tế Việt Nam có thể vươn tới khi nhiều khó khăn nội tại (trong khu vực công nghiệp, nông nghiệp) vẫn còn hiện hữu”. Đáng ngại hơn, động lực tăng trưởng truyền thống của Việt Nam như vốn, xuất khẩu và dựa vào khu vực công nghiệp đã không còn nhiều dư địa như những năm trước. Việc chậm xóa bỏ rào cản trong sản xuất như “chi phí không chính thức”, “tính năng động của chính quyền”, “tiếp cận đất đai” và “cạnh tranh bình đẳng” sẽ vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN. Những bất ổn trong nền kinh tế và tình trạng dư thừa năng lực sản xuất ở Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và tăng xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Việt Nam. Mặt khác, bối cảnh này có thể dẫn đến những rủi ro lớn đối với Việt Nam nếu tiếp nhận những nhà máy, máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên vật liệu, không thân thiện với môi trường thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài hay dưới hình thức ODA. Trong khi đó, sức ép lạm phát đang gia tăng, lãi suất có thể bị điều chỉnh tăng, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước và những phản ứng dây chuyền trên thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán.
Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế
Để kích thích tăng trưởng, ông Đặng Đức Anh cho rằng, tại thời điểm này, Chính phủ không nên dùng chính sách tài khóa để kích cầu, bởi dùng chính sách này sẽ kèm theo không ít rủi ro, gây áp lực lớn cho mục tiêu kiểm soát lạm phát. “Để kinh tế có thể đạt được mức tăng trưởng bền vững, giải pháp tổng lực và quan trọng nhất là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào những giải pháp mang tính dài hạn như: nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nhà nước, xử lý nợ xấu…” - ông Đặng Đức Anh khuyến nghị.
Báo cáo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cũng đưa ra một số khuyến nghị. Thứ nhất là tiếp tục cải cách thể chế và ổn định môi trường kinh tế vĩ mô để khôi phục niềm tin của các DN sản xuất kinh doanh và của người tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu và giảm nhập siêu. Đặc biệt cần theo dõi việc thực thi Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thứ hai là thực hiện tốt kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả hàng hoá thế giới biến động khó lường. Giảm áp lực giá cả lên tâm lý tiêu dùng của người dân bằng các biện pháp kiểm soát giá cả nói chung và một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu nói riêng. Đồng thời, khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của khu vực tư nhân để khai thác tốt hơn nguồn lực về vốn, lao động bằng những ưu đãi về tài chính, đất đai…