Kiên định mục tiêu kép, linh hoạt giải pháp thực hiện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với những giải pháp phòng, chống dịch bệnh linh hoạt, kiên định mục tiêu kép, kinh tế tháng 5 và 5 tháng vẫn duy trì ổn định. Tuy nhiên, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới khi một số ngành, lĩnh vực tiếp tục chịu tác động mạnh, nhiều doanh nghiệp “ngấm đòn” do Covid-19. Đặc biệt, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đã tấn công vào các khu công nghiệp - nơi tạo ra động lực lớn cho tăng trưởng.
Chính phủ đã thay đổi biện pháp phòng, chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, chống dịch nhưng không đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Chính phủ đã thay đổi biện pháp phòng, chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, chống dịch nhưng không đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều lĩnh vực ngấm tác động dịch bệnh

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), nhìn chung kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành, lĩnh vực vẫn khả quan. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IPP) tăng khá, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì tốc độ tăng hai con số, ước đạt 12,6%. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tăng so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng cao.

Tuy nhiên, dịch bệnh đã tiếp tục tác động mạnh đến ngành dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải, hàng không… và người lao động, nhất là người lao động trong khu công nghiệp. Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức cao. Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp quy mô lớn rút lui khỏi thị trường tăng cao, phản ánh sức chống chịu của các doanh nghiệp đã suy giảm. Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước chưa đạt yêu cầu. Do dịch Covid-19 nên nhiều địa phương phải thực hiện các biện pháp hạn chế, giãn cách, khiến hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.

Dù vẫn được kiểm soát tốt, nhưng theo nhiều dự báo, áp lực lạm phát sẽ gia tăng trong các tháng còn lại của năm 2021 chủ yếu do kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi nhanh, trong khi nguồn cung chưa theo kịp nhu cầu. Giá nguyên, vật liệu trong nước ở mức cao, tạo áp lực tăng giá một số sản phẩm thời gian tới.

Một số ý kiến cũng lo ngại, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đã tấn công vào các khu công nghiệp, có thể tác động tiêu cực đến xuất khẩu. Số liệu về xuất, nhập khẩu nửa đầu tháng 5/2021 của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5 năm 2021 giảm 14,1% so với kỳ 2 tháng 4/2021.

Kiên định mục tiêu kép

Ứng phó với đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo luôn kiên định thực hiện mục tiêu kép, thay đổi biện pháp phòng, chống dịch một cách linh hoạt, từ phòng ngự sang chủ động tấn công, chống dịch nhưng không đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc kiên định mục tiêu kép là rất đúng đắn, cần thiết, là điều kiện tiên quyết cho sự ổn định về kinh tế, chính trị - xã hội. Tuy nhiên, giải pháp để thực hiện mục tiêu kép phải rất linh hoạt, tùy theo diễn biến của dịch bệnh, kinh tế trong nước, quốc tế, đòi hỏi công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải rất kịp thời, sáng tạo, trách nhiệm.

Câu chuyện của ngành dệt may là một ví dụ. Khó khăn của đợt dịch năm 2020 là không có đơn hàng vì Mỹ, các nước châu Âu bị tác động lớn của dịch Covid-19, nhưng năm nay, nhu cầu của các nước này tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng cho hết quý III. Vì thế, việc phòng chống dịch cần điều chỉnh thích ứng, khoanh vùng hạn chế, truy vết nhanh, bảo tồn được lực lượng sản xuất để doanh nghiệp tổ chức sản xuất, giữ được đơn hàng.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, hy vọng với phương thức chống dịch hiện nay thì hết chu kỳ 21 ngày có thể sớm đưa các khu công nghiệp vào hoạt động bình thường.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh này, "vũ khí" quan trọng trong cuộc chiến mới chính là vaccine. Ông Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đánh giá cao việc Chính phủ đã đặt ưu tiên về tiêm chủng lên hàng đầu cũng như quyết định huy động nguồn lực của xã hội để có được đủ vaccine, tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp đứng ra thương lượng để mua vaccine.

Về định hướng điều hành kinh tế vĩ mô, một số ý kiến đề xuất trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, chỉ số CPI còn ở mức thấp, trước mắt cần duy trì chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm và lao động tại các khu công nghiệp.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục