Kiến tạo tương lai “xanh” nhìn từ KCN Nam Cầu Kiền

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phát triển khu công nghiệp (KCN) theo mô hình KCN sinh thái đang trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững song hành với lợi ích kinh tế và trách nhiệm với cộng đồng.
Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền dành trên 30% diện tích cho cây xanh
Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền dành trên 30% diện tích cho cây xanh

Tuy nhiên, việc lựa chọn con đường phát triển “xanh” không mấy dễ dàng khi chi phí đầu tư cao, khung pháp lý về KCN sinh thái còn khá mới mẻ. Việc dám nghĩ, dám làm, kiên trì theo đuổi các tiêu chí sản xuất “xanh” từ 15 năm trước đã tạo nên “quả ngọt” cho KCN sinh thái Nam Cầu Kiền, được cộng đồng, xã hội đón nhận.

Phát triển theo con đường “xanh” là tất yếu

Ông Lê Thành Quân - Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Việt Nam đã tham gia nhiều cam kết quốc tế về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải ròng. Trong các chủ trương lớn của đất nước đều có nội dung xây dựng chiến lược và chính sách hướng tới phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững hơn, tăng cường khả năng ứng phó với khủng hoảng. Vì thế, việc chuyển đổi, phát triển KCN theo hướng sản xuất “xanh” để nâng cao khả năng cạnh tranh dựa trên mô hình quản lý tiên tiến, khả năng hợp tác để sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên, khả năng ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý, sản xuất đang được Nhà nước rất khuyến khích. Đây cũng là đòi hỏi của thực tiễn mà nhiều quốc gia cũng như cộng đồng doanh nghiệp nhiều nước trên thế giới theo đuổi. Hàng hóa được sản xuất theo tiêu chí “xanh” có thị trường to lớn hơn, là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều quốc gia trong tiêu thụ, đáp ứng được tiêu chuẩn của chuỗi ngành hàng, chuỗi giá trị.

Ông Heru Kustanto - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp Indonesia cho biết, đoàn công tác của Indonesia đã thu nhận được nhiều kinh nghiệm thực tiễn để phát triển mô hình KCN “xanh” từ việc tham quan, trực tiếp chứng kiến quy trình sản xuất tuần hoàn của KCN Nam Cầu Kiền. Đây là KCN phát triển các chuỗi cộng sinh công nghiệp, kinh tế tuần hoàn rất tốt, gồm các ngành thép, nhựa, phụ trợ điện - điện tử. Trong chuỗi hoạt động sản xuất, các doanh nghiệp đã cộng sinh sử dụng năng lượng “xanh”, tiết kiệm tài nguyên nước, giảm thiểu phát thải carbon và chất thải ra môi trường. Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền đã xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giám sát đầu vào và đầu ra về sử dụng nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, hóa chất, chất thải, phế liệu trong KCN khá hiệu quả. Nhờ đó, nguyên vật liệu, hoá chất, dòng chất thải phát sinh trong KCN Nam Cầu Kiền được kiểm soát, đưa vào quy trình đánh giá khả năng, nhu cầu, tỷ lệ tái chế và có giải pháp xử lý phù hợp.

“Quả ngọt” không dễ hái

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền cho biết, là người con của huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, tình cảm với quê hương đã thôi thúc ông xây dựng KCN Nam Cầu Kiền đi theo con đường phát triển “xanh” để gắn bó lâu dài với Thành phố cảng.

Cách đây 15 năm, khi KCN bắt đầu hình thành và đi vào hoạt động, khái niệm “sinh thái”, “sản xuất xanh” chưa được đón nhận như bây giờ vì hành lang pháp lý chưa có, khái niệm chuỗi sản xuất tuần hoàn cũng rất mới mẻ. Bằng sự kiên trì, thôi thúc của lý trí và con tim, ông Điệp đã vượt qua dư luận xã hội, vượt qua những rào cản, định kiến đối với doanh nghiệp sử dụng chất thải của một doanh nghiệp khác làm đầu vào sản xuất…

Hàng hóa được sản xuất theo tiêu chí “xanh” có thị trường to lớn hơn, là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều quốc gia trong tiêu thụ, đáp ứng được tiêu chuẩn của chuỗi ngành hàng, chuỗi giá trị.

So với đầu tư KCN thông thường, đầu tư KCN theo tiêu chí sinh thái có chi phí cao hơn ít nhất 20%. Ngoài việc dành trên 30% diện tích cho cây xanh, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhà máy xử lý, tái chế chất thải, hình thành hệ thống điện mái nhà, KCN Nam Cầu Kiền còn thực hiện quy trình kinh tế khép kín, hình thành các chuỗi cộng sinh tuần hoàn nhằm đạt mục tiêu 100% chất thải của KCN được xử lý nội khu.

Với đa số các KCN, kêu gọi đầu tư để tối đa hóa khả năng lấp đầy diện tích, nhưng với KCN Nam Cầu Kiền nói riêng và các KCN hoạt động tuần hoàn nói chung, phải sàng lọc khá kỹ càng để lựa chọn doanh nghiệp hoạt động trong KCN, bởi tính phù hợp và khả năng cộng sinh với các doanh nghiệp khác.

Trong giai đoạn từ 2008 - 2018, KCN Nam Cầu Kiền gặp rất nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư, nhất là khi cơn lốc suy thoái kinh tế quét qua. Hiểu rõ các trụ cột giá trị trọng tâm mà KCN sinh thái mang lại là kinh tế (tạo ra mạng lưới kinh doanh mạnh mẽ và thúc đẩy phát triển toàn diện), môi trường (tận dụng và bảo vệ tối đa tài nguyên thiên nhiên), xã hội (giảm phát thải carbon và tác động đến môi trường), Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền vẫn kiên trì, nhẫn nại theo đuổi chuỗi tiêu chí “xanh” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong hơn 15 năm phát triển KCN Nam Cầu Kiền, ông Phạm Hồng Điệp đã hợp tác, học hỏi kinh nghiệm của nhiều nhà đầu tư KCN sinh thái ở các nước Bắc Âu, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc để xây dựng mô hình sản xuất theo các tiêu chí “xanh” và sạch, tạo nên chuỗi giá trị tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh.

Lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống

Từ chỗ “đốt đuốc” đi tìm, thuyết phục các doanh nghiệp phù hợp đầu tư vào KCN Nam Cầu Kiền, vận động tham gia chuỗi sản xuất “xanh”, thì nay KCN Nam Cầu Kiền đã có danh sách dài các doanh nghiệp tự tìm đến để được đầu tư và hoạt động trong KCN.

Hiện nay, Công ty CP Shinec đang dần hiện thực hóa định hướng phát triển và nhân rộng mô hình KCN sinh thái Nam Cầu Kiền cho các dự án trong tương lai, dự kiến đến năm 2030 phát triển 3.500 ha quỹ đất cho các dự án KCN sinh thái, cụm công nghiệp sinh thái ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tháng 6/2024, Shinec sẽ hoàn thành việc mở rộng KCN Nam Cầu Kiền lên đến 263 ha (hiện nay là 170 ha). Công ty cũng đang triển khai thủ tục đầu tư các KCN sinh thái tương tự ở nhiều địa phương như: Quảng Ninh, Thái Bình, Gia Lai, Hậu Giang và Khánh Hòa, hứa hẹn tạo ra nguồn cung cấp dịch vụ và sản phẩm “xanh”, đáng tin cậy và bền vững, góp phần tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.

Ông Lê Thành Quân cho biết, KCN Nam Cầu Kiền không thuộc các dự án được lựa chọn thí điểm chuyển đổi sang KCN sinh thái theo khung quốc tế trong khuôn khổ Dự án Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu. Tuy nhiên, bằng ý thức về sản xuất “xanh”, thân thiện với môi trường và mang lại những giá trị tốt đẹp cho xã hội, Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền đã mạnh dạn, tự nguyện thực hiện và tuân thủ các tiêu chí “xanh” trong chuỗi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tinh thần này đáng được biểu dương và học hỏi để trong tương lai gần, Việt Nam có thể chuyển đổi thành công và nhân rộng các mô hình KCN “xanh” như Nam Cầu Kiền trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Tin cùng chuyên mục