Kiện toàn nhân sự cấp cao

(BĐT) - Sáng ngày 13/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc Phiên họp thứ 49 nhằm chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIV dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV là khoảng 9 ngày (không kể các ngày nghỉ), trong đó, dự kiến phiên trù bị và khai mạc diễn ra vào ngày 20/7 và phiên bế mạc vào ngày 30/7/2016.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, một trong những nội dung trọng tâm của Kỳ họp đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV này là xem xét, quyết định tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước, Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Theo dự kiến, việc kiện toàn nhân sự cấp cao sẽ được bố trí xen kẽ với một số nội dung khác.

Tuy nhiên, cho ý kiến về nội dung này, bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần cân nhắc tập trung kiện toàn nhân sự cấp cao trước khi bàn đến những nội dung khác. Đồng thuận với ý kiến này, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, việc tập trung kiện toàn nhân sự trước sẽ rút gọn được thời gian, tạo thuận lợi cho việc giao nhiệm vụ cho các ủy ban của Quốc hội. Sau khi bầu các chức danh mới cho các ủy ban của Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV sẽ có trách nhiệm trình bày các báo cáo tình hình thực hiện và báo cáo thẩm tra. Tuy nhiên, việc chuẩn bị nội dung báo cáo trình bày tại Quốc hội sẽ do Chủ nhiệm các ủy ban của khóa XIII thực hiện.

Sau khi hoàn thiện công tác nhân sự, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại Kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát năm 2017; sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các luật, nghị quyết hoặc quyết định về các vấn đề cần thiết để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công.