Kinh tế 11 tháng tiếp tục xu hướng chuyển biến tích cực trên nhiều mặt. Ảnh: Lê Tiên |
Kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ cán mốc 500 tỷ USD
Đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô tháng 11 và 11 tháng năm 2019, Thủ tướng cho biết, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng chỉ tăng 2,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục đà phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tăng trưởng hai con số. Tháng 11, lượng khách quốc tế đến nước ta đạt trên 1,8 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay.
Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng khá, xuất siêu đến hết tháng 11 dự kiến ở mức cao với 9,1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt trên 241 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018. Khu vực trong nước có mức tăng trưởng xuất khẩu cao hơn nhiều so với khu vực FDI. Có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Thủ tướng nhậ định, năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ cán đích 500 tỷ USD.
Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài giữ đà phát triển khá. Vốn FDI thực hiện 11 tháng đạt 17,6 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2018. Cả nước có 126.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và có 36.900 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, còn một số tồn tại cần có giải pháp cụ thể để giải quyết ngay từ nay đến cuối năm cũng như đầu năm 2020. Đó là: tình trạng giá thịt lợn tăng rất cao, nguồn cung thiếu hụt do dịch tả lợn châu Phi; sản xuất công nghiệp có dấu hiệu tăng chậm lại, 11 tháng chỉ tăng 9,3%, thấp hơn mức tăng 10% của cùng kỳ năm 2018; giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa có nhiều chuyển biến.
Phấn đấu GDP năm 2019 đạt 7%
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là kết thúc năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các cấp, các ngành không được chủ quan, tiếp tục thực hiện các giải pháp để hoàn thành trọn vẹn các mục tiêu đề ra, phấn đấu đạt cao nhất kế hoạch năm 2019 ở tất cả các lĩnh vực, các ngành, các địa phương.
“Địa phương nào chưa hoàn thành tốt thì phải thúc đẩy hoàn thành tốt để tăng trưởng năm 2019 không chỉ 6,8%, ngưỡng trên mà Quốc hội giao, mà phấn đấu đạt 7%”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nỗ lực đạt mức cao nhất trong tháng 12 này.
Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh cuối năm 2019 và kế hoạch đầu năm 2020. “Cần bơm vốn cho các ngành hàng chúng ta coi là lợi thế như nông nghiệp, khởi nghiệp… Bảo đảm lưu thông tiền tệ thông suốt và nguồn vốn tín dụng của nền kinh tế”, Thủ tướng lưu ý.
Bộ Tài chính được giao tập trung chỉ đạo hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước 2019, phấn đấu tăng thu cao hơn số đã báo cáo Quốc hội để có nguồn lực cho đầu tư các công trình, dự án quan trọng, cấp bách.
Các cấp, các ngành phải tạo thuận lợi để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020, bảo đảm tự do kinh doanh theo pháp luật, lưu thông thông suốt thị trường trong nước.
Thủ tướng nêu rõ tinh thần phát triển bền vững với công thức “3 trong 1”: cạnh tranh năng động về kinh tế nhưng an toàn, bền vững về xã hội và môi trường, vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố vững chắc.
Về các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, Thủ tướng yêu cầu cần bám sát các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, mang tính phấn đấu ở mức cao với tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, quyết liệt, hành động và hành động hơn nữa để phục vụ nhân dân, thể hiện khát vọng vươn lên của đất nước.