Kinh tế thế giới đối mặt với nguy cơ lạm phát đình trệ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với sự tích tụ của các yếu tố gây ra tình trạng lạm phát đình trệ khi giá năng lượng tăng cao kéo theo lạm phát và làm chậm sự phục hồi suy thoái sau đại dịch.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Dầu mỏ lần đầu tiên leo lên hơn 80 USD/thùng trong 3 năm, khí đốt tự nhiên giao tháng 10 được giao dịch với giá đắt nhất trong 7 năm và Chỉ số Giao ngay hàng hóa Bloomberg (the Bloomberg Commodity Spot Index) tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ. Giá lương thực cũng đang tăng, một phần do mất mùa ở Brazil.

Chi phí gia tăng đối với các hộ gia đình và công ty đang đánh vào niềm tin về sự phục hồi đồng thời đẩy lạm phát nhanh hơn mức các nhà kinh tế dự đoán chỉ vài tháng trước. Điều đó có thể đặt các nhà hoạch định chính sách vào tình thế khó xử trong việc nhận định liệu giá tăng hay tăng trưởng giảm sẽ gây ra rủi ro lớn hơn.

Nhiều người đã so sánh cú sốc hiện nay với sự kết hợp của suy thoái kinh tế và lạm phát tăng cao do giá dầu mỏ chi phối của thời kỳ những năm 1970. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng trung ương bác bỏ sự cường điệu này và cho rằng điều cần quan tâm chính là việc tăng giá lâu dài sẽ dẫn đến chi phí tăng lên, đẩy nền kinh tế vào vòng luẩn quẩn.

Theo tính toán của Bloomberg Economics, khi giá hàng hóa tăng 20% có thể coi như một khoản chuyển trị giá ít nhất 550 tỷ USD - gần tương đương với sản lượng hàng năm của nước Bỉ - từ người tiêu dùng sang nhà sản xuất nhiều nhất. Nếu tính theo đồng USD, những nền kinh tế phải chịu thiệt thòi có thể là Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu, trong khi lợi thế thuộc về Nga, Ả Rập Xê-út và Australia.

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs Group Inc. hay Morgan Stanley đều dự báo việc cắt giảm sản lượng trong một loạt các ngành sử dụng nhiều năng lượng ở Trung Quốc hiện nay sẽ kéo tăng trưởng của nước này thấp hơn trong năm nay.

Tại Vương quốc Anh, niềm tin của người tiêu dùng đã giảm trong tháng 9 với tốc độ nhanh nhất kể từ gần một năm trước, cùng với đó là việc người dân nước này đang chuẩn bị đối mặt với gian đoạn có thu nhập thấp. Ngoài việc các trạm xăng hoạt động cầm chừng do thiếu tài xế nạp nhiên liệu, Vương quốc Anh cùng với phần lớn châu Âu đang phải chịu sự tăng vọt về giá điện và khí đốt tự nhiên do nhu cầu tăng cao sau giãn cách xã hội trong khi lượng hàng tồn kho thấp hơn so với năm trước. Điều đó càng làm xói mòn tâm lý người tiêu dùng vốn đã mong manh.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến lo ngại cũng có yếu tố lạc quan khi kinh tế ở một số nước phát triển nhìn chung đã phục hồi so với dự đoán một năm trước. Theo dự báo được đưa ra trong tháng 9 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tổng sản phẩm quốc nội của các nước trong khối có thể quay trở lại quỹ đạo trước khủng hoảng vào năm 2022, một kết quả tốt hơn so với dự đoán vào cuối năm 2020.

Nhiều quan chức vẫn khẳng định mức tăng giá đột biến hiện nay sẽ giảm dần mà không cần phải hành động. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cho rằng, thách thức quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách là không phản ứng quá mức đối với những cú sốc của nguồn cung tạm thời không ảnh hưởng đến trung hạn.

Tin cùng chuyên mục