Kỳ vọng thu hút FDI thế hệ mới

(BĐT) - Sau 30 năm, việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện nay đang đặt ra không ít thách thức: mục tiêu cao hơn, cạnh tranh khốc liệt hơn và bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi với tốc độ nhanh, khó lường hơn… 
Các dự án có hàm lượng công nghệ cao, có sức lan tỏa, gắn kết với doanh nghiệp trong nước là mục tiêu thu hút FDI trong thời gian tới
Các dự án có hàm lượng công nghệ cao, có sức lan tỏa, gắn kết với doanh nghiệp trong nước là mục tiêu thu hút FDI trong thời gian tới

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, để đón dòng vốn FDI thế hệ mới và tận dụng được những lợi thế của FDI, Việt Nam phải có sự điều chỉnh chính sách phù hợp.

Mục tiêu mới

Một trong những mục tiêu thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian tới là thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, những dự án phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tiềm năng và lợi thế so sánh của Việt Nam. Bên cạnh đó, các dự án được lựa chọn phải thân thiện với môi trường, phù hợp với biến đổi của khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0); ưu tiên thu hút các dự án có sức lan tỏa, gắn kết với khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước.

Trong ngắn hạn, việc lựa chọn ngành, lĩnh vực thu hút FDI cần đảm bảo cân đối, hài hòa với điều kiện của Việt Nam (đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển như: tăng trưởng, tạo việc làm, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng lao động hiện nay, thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương, củng cố nền tảng để thu hút FDI chất lượng cao) và nhu cầu của nhà đầu tư (những ngành, lĩnh vực mà nhà đầu tư có lựa chọn về địa điểm và có lợi thế nhưng DN trong nước chưa thực hiện được hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu). Thu hút FDI vào một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động mà Việt Nam đang có lợi thế, nhưng dịch chuyển lên các khâu thượng nguồn trong chuỗi giá trị để đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do mới.

Bên cạnh đó là lựa chọn ngành, lĩnh vực tạo ra các liên kết chuỗi trong hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nhiều quốc gia; hoặc ngành, lĩnh vực có tính đón đầu và xây dựng các điều kiện đầu tư có khả năng thu hút FDI phù hợp với định hướng của Việt Nam trong thời gian tới.

Trong dài hạn, tập trung thu hút FDI theo chiều sâu hướng vào các ngành có giá trị gia tăng cao, giới thiệu công nghệ mới, công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, công nghiệp chế biến, chế tạo, phục vụ nông nghiệp; hỗ trợ phục hồi môi trường; nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hiệu quả cao; hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) chuyên sâu và có hiệu ứng lan tỏa cao, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, làm nòng cốt để thực hiện tầm nhìn và chiến lược quốc gia là tái cấu trúc nền kinh tế trên nền tảng công nghiệp 4.0. 

Thách thức mới

Ông Đặng Xuân Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, thách thức lớn trong thu hút FDI hiện nay là nền kinh tế thế giới ngày càng khó dự báo. Đây là những vấn đề phi truyền thống, chưa từng có, khó lường như: đảo chiều của toàn cầu hóa, chính sách mới của các nền kinh tế lớn, hay sự va chạm kinh tế giữa các nước..., tạo ra thách thức rất lớn cho môi trường đầu tư và kinh doanh.

FDI - Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới

Sáng 4/10, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (số 1, Đại lộ Thăng Long, Hà Nội), Hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới được tổ chức, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Hội nghị có sự tham dự của đông đảo lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, hiệp hội DN cùng cộng đồng DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước, chuyên gia kinh tế và các cơ quan thông tấn, báo chí.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng có bài phát biểu khai mạc. Sau đó, các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ cùng nhau đánh giá và thảo luận về vai trò và đóng góp của khu vực FDI trong phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam trong 30 năm qua; đồng thời chỉ ra những tồn tại, bất cập và mục tiêu chưa đạt được, cũng như đưa ra các gợi ý, đề xuất về chính sách để kịp thời nắm bắt những xu hướng mới, cơ hội mới trong kỷ nguyên mới để thu hút FDI có chất lượng và đạt hiệu quả cao nhất.

Đại diện Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham Vietnam), Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham Vietnam), Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham Vietnam), Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Công ty Tài chính quốc tế (IFC), Công ty Tư vấn Boston Consulting Group (BCG) sẽ có các tham luận trình bày tại Hội nghị. Về phía các địa phương, Hà Nội và Bình Dương - hai địa phương tiêu biểu trong thu hút FDI - sẽ có những chia sẻ về bài học kinh nghiệm thực tế trong thu hút FDI.

Nhân dịp này, một số văn kiện về hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ được ký kết.

Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương sẽ có các cuộc tiếp đón và làm việc với các tổ chức, hiệp hội, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Song song với Hội nghị, Triển lãm 30 năm thu hút FDI cũng được tổ chức nhằm trưng bày những thước phim tư liệu và hình ảnh quý giới thiệu về những thành tựu thu hút FDI trong suốt 30 năm qua. Chiều cùng ngày sẽ là thời gian dành cho các DN trực tiếp gặp gỡ, trao đổi để tìm hiểu và kết nối hợp tác đầu tư. 

Thách thức lớn thứ hai đối với việc thu hút FDI chính là những tác động của CMCN 4.0 làm thay đổi cách thức nhà đầu tư lựa chọn địa điểm đầu tư. Thay vì chuyển dịch sản xuất từ địa điểm này sang địa điểm khác, thì nhà đầu tư sẽ tìm cách thích ứng. Mạng lưới sản xuất toàn cầu sẽ dịch chuyển từ nước có nhiều lao động phổ thông và tài nguyên sang nước có nhiều trung tâm nghiên cứu, nhiều lao động có kỹ năng, chuyên môn cao và gần thị trường tiêu thụ hơn. Những phương thức sản xuất mới, không cần nhiều nguồn lực về lao động, tiêu tốn quá nhiều năng lượng, tài nguyên, thậm chí là vận chuyển hàng hóa... sẽ hình thành. Sự thay đổi như vậy sẽ khiến cho những lợi thế sẵn có của chúng ta ngày càng ít giá trị hơn.

Đáng lưu ý, ngoài những cách thức đầu tư truyền thống, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đang dự báo một hình thức đầu tư mới - hình thức đầu tư xuyên biên giới nhưng không góp vốn. Nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư tại Việt Nam mà không cần đầu tư vốn, phi sở hữu nhưng vẫn có lợi nhuận. Chẳng hạn như Nike, Apple..., DN không đầu tư vốn mà chỉ cấp bản quyền cho công ty của Việt Nam để sản xuất ra sản phẩm của Nike, Apple... miễn là công ty này đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, xu hướng các thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A), góp vốn, mua cổ phần đang ngày càng gia tăng và diễn biến rất nhanh chóng như trường hợp của Uber vào Việt Nam. 

Quan trọng nhất là nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi

Theo TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chúng ta đang hình thành chiến lược thu hút FDI trong thời gian tới và thực hiện theo chiến lược đó, thể hiện rất rõ định hướng tập trung vào các dự án có chất lượng cao về công nghệ, nhất là trong bối cảnh CMCN 4.0, bảo vệ môi trường và kết nối DN FDI với DN nội địa.

Nhưng điều quan trọng nhất, theo TS. Lưu Bích Hồ, là các ngành, các địa phương trực tiếp quản lý FDI cần thấu suốt yêu cầu này, chọn lựa cẩn trọng các dự án, nói không với bệnh thành tích, nặng số lượng nhẹ chất lượng, nói không với tiêu cực theo lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm. Cũng rất cần bồi dưỡng nâng cao năng lực của cán bộ làm việc trong lĩnh vực này và cải tiến quy trình thẩm định, xét duyệt các dự án.

“Vốn không sợ ít và thiếu, chỉ sợ không biết dùng. Một khi giải quyết được những vấn đề nêu trên sẽ tạo điểm đến hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư chân chính mà chúng ta cần”, TS. Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.

Đồng thuận với quan điểm này, ông Đặng Xuân Quang cho rằng, khoảng cách giữa pháp luật và thực thi vẫn còn rất xa. Tất cả các khâu trong chu trình đầu tư hiện vẫn chưa đạt yêu cầu, từ xúc tiến đầu tư, thẩm định cấp phép và quản lý. Trong đó, kém nhất là công tác quản lý sau khi cấp phép, đăng ký hoạt động. Nhiều địa phương buông lỏng, không nắm được hoạt động của DN, dự án FDI. Nếu phát hiện có vi phạm thì việc can thiệp cũng rất chậm. Do đó, thời gian tới, thực thi pháp luật về đầu tư vẫn là vấn đề trọng tâm cần khắc phục, tăng cường công tác hậu kiểm.