Nhiều nhà thầu xây dựng đang cạn kiệt dòng tiền và gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên |
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam cho biết, lãi suất huy động đã tăng lên gần 10%/năm, khiến lãi suất cho vay của các ngân hàng đội lên, doanh nghiệp đối diện với tình cảnh khó chồng khó. “Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nguyên vật liệu xây dựng phải vay vốn ngân hàng, nên dự báo sắp tới sẽ điều chỉnh tăng mạnh nguyên vật liệu, trong khi chính sách dù có điều chỉnh cũng khó theo kịp tốc độ biến động của thực tế. Đối với nhà thầu xây dựng, giá nguyên vật liệu tăng đồng nghĩa với chi phí đầu vào tăng. Các doanh nghiệp đã ký hợp đồng trước đó với thời gian thực hiện dài ngày đều gặp bất lợi, tiếp tục tái diễn tình trạng càng thi công càng lỗ như thời gian vừa qua”, ông Hòa khẳng định.
Thông tin đến phóng viên, các nhà thầu tại khu vực phía Nam cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, tình hình biến động lớn của giá nhân công, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào… đã làm doanh nghiệp xây dựng điêu đứng. Trong lúc còn chưa kịp phục hồi, đà tăng mạnh lãi suất chất thêm gánh nặng cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xây dựng nói riêng. Nhiều nhà thầu xây dựng đang đứng trên bờ vực khủng hoảng và rất khó để tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh khi lãi suất ngân hàng có chiều hướng ngày càng tăng cao.
Theo ông Trần Quang Tuyến, Phó Tổng giám đốc Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường, lãi suất ngân hàng tăng cao đang tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, việc vay vốn để mở rộng sản xuất sẽ gặp khó khăn, việc kinh doanh như thế nào để bảo đảm đủ trả lãi vay là một bài toán khó. Việc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp khó cũng sẽ tác động đến nhà thầu xây dựng.
Ở một mảng việc liên quan, ông Vương Văn Nhật, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải Nhựt Quang (tỉnh Đồng Nai) phản ánh, ngành vận tải đang phải chịu quá nhiều áp lực, trong khi việc cập nhật và công bố mức đơn giá cho hoạt động này từ cơ quan quản lý lại chưa kịp thời. Do đó, chi phí đầu vào cấu thành nên toàn bộ chi phí xây dựng chưa thực sự đầy đủ. “Hiện tại, nhiều doanh nghiệp không biết xoay xở thế nào với lãi suất, tỷ giá cũng như dòng tiền khan hiếm. Việc xây dựng chiến lược, lập kế hoạch cho năm 2023 trở nên rất khó khăn”, ông Nhật cho biết.
Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, nhiều nhà thầu lâm vào tình cảnh khốn quẫn bởi nợ đọng xây dựng cơ bản. “Câu chuyện đặc biệt phổ biến ở giai đoạn mà nhà thầu thi công đạt giá trị khối lượng từ 75 - 80% toàn dự án. Cá biệt, có những nhà thầu cay đắng vì công trình đã hoàn tất, đưa vào khai thác, sử dụng, hết hạn bảo hành vẫn chưa được quyết toán. Nhà thầu phải vay tín dụng ngân hàng với lãi suất cao trong khi bị “ngâm” dòng tiền do nợ đọng kéo dài từ công trình này đến công trình khác, từ năm này qua năm khác”, đại diện VACC thông tin.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần có những chính sách phù hợp với bối cảnh hiện tại nhằm gỡ khó cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng. “Do tình trạng trượt giá, dự toán không sát giá thị trường trong lập kế hoạch… đã dẫn tới nhiều nhà thầu mắc kẹt khi ký các hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định. Cần có cơ chế gỡ vướng các loại hợp đồng này để bảo đảm sức khỏe tài chính cho nhà thầu. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cần quyết liệt hơn khi điều hành, giám sát việc công bố chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng cũng như các chi phí cấu thành hoạt động xây dựng. Thực tế, các chỉ số đầu vào này đang chưa cập nhật kịp thời, dẫn tới tình trạng chưa thi công đã lỗ, hệ lụy kéo dài”, ông Nguyễn Hữu Ngọc, đại diện Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn kiến nghị.