Làm gì để doanh nghiệp chung sức xây dựng nông thôn mới?

(BĐT) - Đầu tư vào nông nghiệp thường có rủi ro cao, bởi tác động trực tiếp của thời tiết, dịch bệnh; lợi nhuận của các doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp thường có nhiều biến động. Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp nhằm tận dụng tốt các nguồn lực để chung sức phát triển nông thôn mới là chủ đề được nhiều người quan tâm.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Chưa hấp dẫn được doanh nghiệp

Ông Lưu Đức Khải, Trưởng ban Ban Chính sách phát triển nông thôn thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết: Các nghiên cứu về môi trường đầu tư ở nông thôn cho thấy số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập và đăng ký kinh doanh ở khu vực nông thôn còn rất hạn chế, chỉ chiếm 1% tổng số DN đăng ký trong cả nước. Tỷ trọng DN nông thôn thấp và có xu hướng giảm. Trong giai đoạn 2007 - 2013, tuy số lượng DN nông nghiệp tăng từ 2.397 lên 3.635 DN nhưng tỷ trọng trong tổng số DN lại giảm từ 1,6% xuống còn 1%. Điều này cho thấy, mặc dù là lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế nhưng nông nghiệp chưa thu hút được nhiều DN vào đầu tư kinh doanh.

Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân tác động tiêu cực tới việc huy động vốn đầu tư cho Chương trình nông thôn mới (NTM) là cơ chế huy động vốn đầu tư ở nhiều địa phương chưa đủ hấp dẫn và linh hoạt để thu hút sự tham gia nhiệt tình của các thành phần kinh tế, đặc biệt là sự tham gia của DN. Và mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 210/2013/NĐ-CP (NĐ210) về chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp và khu vực nông thôn nhưng mức hỗ trợ theo quy định của Nghị định là chưa đủ hấp dẫn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trúc cho biết, là cái nôi của chính sách “khoán sản phẩm” trước đây, Vĩnh Phúc đã sớm chú trọng và rất quan tâm xây dựng nông nghiệp, nông thôn từ giai đoạn 2006 - 2010, nên khi bắt đầu xây dựng NTM thì Vĩnh Phúc có kết cấu hạ tầng tương đối tốt.

Hạ tầng tốt và vị trí địa lý “cửa ngõ của Thủ đô” là một trong những lợi thế để thu hút đầu tư, song việc huy động nguồn lực từ DN cho phát triển nông thôn tại địa phương này chưa đạt được như kỳ vọng. Theo đó, trong giai đoạn 2006 - 2010, DN đóng góp được nhiều hơn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, còn giai đoạn hiện nay (2010 - 2015) mới thu hút được hơn 1.000 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với nguồn huy động từ dân và cộng đồng (hơn 5.600 tỷ đồng).

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách

Ông Nguyễn Thanh Dương - Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, để đẩy mạnh phát triển DN tại địa bàn nông thôn, các chính sách ưu đãi ngày càng được hoàn thiện. Theo đó, Nghị định 61/2010/NĐ-CP (NĐ61), NĐ210 (thay thế NĐ61) và các văn bản hướng dẫn đều theo hướng đơn giản, minh bạch, hấp dẫn và tăng khả năng tiếp cận của DN.

Từ thực tế áp dụng của địa phương, lãnh đạo Sở KH&ĐT Vĩnh Phúc kiến nghị Bộ KH&ĐT tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn NĐ210 và sớm có hướng dẫn thực hiện Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích để tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện tại địa phương, trong đó có triển khai Chương trình NTM.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, trong thời gian tới sẽ xem xét nghiêm túc kiến nghị của địa phương, tập trung nghiên cứu và đề xuất cơ chế hỗ trợ DN trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo có đủ các cơ chế chính sách thuận lợi và hiệu quả trong thực thi. Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu cam kết Bộ KH&ĐT sẽ nghiên cứu đề xuất cơ chế huy động nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng nông thôn. Thứ trưởng đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để các cơ chế chính sách đến được với DN, giúp DN và người dân hiểu và có kế hoạch tham gia đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, góp phần cùng Nhà nước và nhân dân chung sức xây dựng NTM.           

Làm sao để doanh nghiệp “về với nông thôn”?

Làm gì để doanh nghiệp chung sức xây dựng nông thôn mới? ảnh 1

Ông Lưu Đức Khải, Trưởng ban Ban Chính sách phát triển nông thôn thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

Lý do doanh nghiệp (DN) chưa về nông thôn là bởi chính sách chưa đủ hấp dẫn; tỷ suất lợi nhuận nông nghiệp thấp; nhiều rủi ro về thiên tai, thị trường, tài chính trong khi việc triển khai bảo hiểm trong nông nghiệp chưa nhiều. Sản xuất nông nghiệp manh mún, thiếu công nghiệp hỗ trợ. Kết cấu hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng khiến tăng chi phí vận chuyển và chi phí giao dịch. Xu hướng lao động nông thôn di chuyển ra thành phố, và chưa tạo được lực lượng lao động nông nghiệp chuyên nghiệp, thiếu nguồn lao động nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của DN…

Để thu hút DN đầu tư cho nông nghiệp, bên cạnh việc đề xuất chính sách ưu đãi cho DN đầu tư về nông nghiệp, nông thôn thì cần đẩy mạnh truyền thông, thông tin về chính sách và lợi ích trong đầu tư cho nông nghiệp, để thông tin đến được với DN, khiến DN yên tâm đầu tư. Cần thông tin để DN có kế hoạch, có bước đi cụ thể nhằm khai thác được cơ hội trong hội nhập. Ngoài ra, cần đáp ứng kết cấu hạ tầng; giải quyết tốt cơ chế đất đai cho DN và người dân.

Một việc quan trọng nữa là để DN bắt tay với nông dân, cần cơ chế chia sẻ lợi ích và cơ chế chia sẻ rủi ro phù hợp giữa DN với người nông dân. Nếu cơ chế này không đảm bảo thì rất dễ xảy ra tình trạng phá vỡ hợp đồng giữa 2 bên.

Tin cùng chuyên mục