Lạm phát năm 2021 có đáng ngại?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khả năng phục hồi của các nền kinh tế khi dịch Covid-19 được kiểm soát sẽ thúc đẩy nhu cầu hàng hóa, dịch vụ cùng với việc tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ là những yếu tố có khả năng đẩy mặt bằng giá cả năm 2021 tăng cao. Do đó, cần tiếp tục phối hợp tích cực giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để kiểm soát lạm phát như mục tiêu đã đặt ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Chỉ số giá tiêu dùng năm 2021 chịu áp lực tăng cao hơn so với năm 2020, lạm phát được dự báo có xu hướng tăng trở lại. Ảnh: Nhã Chi
Chỉ số giá tiêu dùng năm 2021 chịu áp lực tăng cao hơn so với năm 2020, lạm phát được dự báo có xu hướng tăng trở lại. Ảnh: Nhã Chi

Khép lại một năm đầy biến động, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2020 tăng 3,23% so với bình quân năm 2019, thấp hơn nhiều so với mục tiêu Quốc hội đề ra là dưới 4%; lạm phát cơ bản bình quân năm 2020 tăng 2,31% so với bình quân năm 2019.

Nhận xét về mức tăng CPI trong năm qua, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, chúng ta đã đạt thành công “kép” khi vừa giữ được tăng trưởng dương, vừa kiểm soát được lạm phát.

Dự báo về diễn biến giá cả hàng hóa thiết yếu trong năm 2021, ông Long cho rằng rất khó đoán định. Do đó, công tác điều hành giá cần tiếp tục triển khai một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động. Chính sách tài khóa cần phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; đồng thời góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Bộ Tài chính, năm 2021, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn nhờ có vắc-xin, đồng thời kinh tế trong nước và thế giới phục hồi, lạm phát sẽ có xu hướng tăng trở lại. Tuy nhiên, lạm phát năm 2021 sẽ không thể tăng cao khi kinh tế chưa thể phục hồi hoàn toàn.

Vị chuyên gia này dự đoán, năm 2021, trường hợp có biến động mạnh về giá xăng dầu hay giá thực phẩm như năm 2019, lạm phát trung bình nhiều khả năng sẽ vẫn ở mức dưới 3%. Ở kịch bản thấp hơn, lạm phát trung bình có thể ở mức khoảng 2%.

Cũng xem xét từ tác động của sự hồi phục kinh tế với lạm phát, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, có một số yếu tố có thể gây áp lực đáng kể với lạm phát năm 2021. Đó là khả năng phục hồi mạnh của kinh tế toàn cầu nói chung, của Việt Nam nói riêng trên nền tăng trưởng thấp của năm 2020, bởi sự hồi phục của nền kinh tế sẽ thúc đẩy tăng nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ, từ đó đẩy mặt bằng giá cả lên.

Bên cạnh đó, lượng tiền các quốc gia tung ra để phòng chống dịch, hỗ trợ phục hồi kinh tế là rất lớn, sẽ có tác động mạnh hơn trong năm 2021, khiến lạm phát trên toàn cầu dự báo có thể tăng tương đối. Mặt khác, nhiều dự báo cho rằng, giá các hàng hóa cơ bản, trong đó có giá dầu vẫn tiếp tục xu hướng tăng trở lại, dù mức tăng không lớn. Đồng thời, việc áp dụng lộ trình tăng giá một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý cũng sẽ góp phần đẩy CPI tăng trong năm 2021.

Từ phân tích đó, ông Lực cho rằng, CPI năm 2021 chịu áp lực tăng cao hơn so với năm 2020, nhưng nhiều khả năng lạm phát vẫn sẽ trong tầm kiểm soát ở mức dưới 4%.

“Cần tiếp tục phối hợp đồng bộ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để vừa thúc đẩy tăng trưởng vừa kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý. Bên cạnh đó, cần cân nhắc lùi lộ trình tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý khi có dấu hiệu CPI tăng mạnh trở lại”, ông Lực khuyến nghị.

Tại Báo cáo Chiến lược đầu tư năm 2021, nhóm nghiên cứu của của Công ty CP Chứng khoán VNDirect nhận định, áp lực lạm phát có thể giảm trong năm 2021 do giá thịt lợn hơi có thể tiếp tục giảm sau khi quy mô đàn lợn trong nước phục hồi và vắc-xin phòng chống Covid -19 dự kiến sẽ được sản xuất và bán ra thị trường từ quý III/2021 khiến giảm giãn cách xã hội, lưu thông hàng hóa tốt hơn. Bên cạnh đó, dự báo Chính phủ có thể tăng giá điện bán lẻ 5 - 8% trong nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, rủi ro tăng giá có thể được bù đắp phần lớn nhờ CPI nhóm lương thực, thực phẩm điều chỉnh giảm. Do đó, dự báo CPI bình quân chung năm 2021 tăng 2,9%.