Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản còn hoạt động phải thu hẹp quy mô đầu tư, sản xuất kinh doanh, thậm chí đình hoãn đầu tư, thi công dự án. Ảnh: Phú An |
Giảm gánh nặng nhân sự để tìm đường sống
Mong mỏi lớn nhất của vị giám đốc này là thị trường phục hồi trở lại để Công ty ông có cơ hội nhận những nhân viên bị cắt giảm quay về làm việc. Để tìm được một nhân sự lành nghề và hiểu văn hóa công ty rất khó, nhưng ở trong tình thế “cực chẳng đã”, nhiều tháng liền không doanh thu, không lợi nhuận, không dòng tiền trả lương, DN phải quyết định chia tay phần lớn người lao động.
Trong báo cáo chuyên đề “Thực trạng sức khỏe thị trường BĐS Việt Nam” mới được công bố, Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) nhận định, các DN đầu tư, phát triển BĐS hiện nay như “sắp chết đuối”, đồng loạt lâm vào trạng thái “ngộp thở”. Điều đáng cảnh báo là, mặc dù đã cố gắng loại bỏ dần các yếu tố làm giảm sức nặng, trong đó có cắt giảm nhân sự, nhưng vẫn không đủ sức “ngoi lên”.
Theo dữ liệu từ 20 DN BĐS có tổng tài sản lớn nhất vào thời điểm 31/12/2022, nhiều DN đã cắt giảm nhân sự rất mạnh trong năm 2022. Đơn cử, Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh cùng công ty con là Công ty CP Dịch vụ BĐS Đất Xanh lần lượt cắt giảm 41% và 45% nhân sự. Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va cắt giảm 20% nhân sự; Công ty CP Phát triển Sunshine Homes cắt giảm 16% nhân sự; Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS An Gia cắt giảm 29%...
Gian truân chưa dừng lại nên quý I/2023, Đất Xanh cắt giảm thêm 1.384 nhân sự; Dịch vụ BĐS Đất Xanh cắt giảm thêm 1.245 người so với đầu năm 2023. Tại Vinhomes, tuy không cắt giảm trong năm 2022, nhưng sang quý I năm nay, Vinhomes đã cắt giảm 1.527 nhân sự. Trên bình diện toàn thị trường, hầu hết các DN BĐS còn hoạt động phải thu hẹp quy mô đầu tư, sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, lực lượng lao động. Thậm chí nhiều DN phải dừng, đình hoãn đầu tư, thi công dự án dở dang; dừng triển khai các dự án mới...
Đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực môi giới, thống kê của VARS cho hay, trên 95% DN phải thu hẹp quy mô lao động, trong đó 50% số DN kinh doanh dịch vụ BĐS đã phải giảm trên 20% nhân sự so với quý II/2022. Một số DN dưới 50 nhân viên gần như ngừng hoạt động, chỉ giữ lại những vị trí quản trị trọng yếu. Một số DN khác áp dụng hình thức dừng ký hợp đồng tạm thời trong 3 - 6 tháng, cho thôi việc hoặc chuyển sang chế độ không lương - cộng tác viên, cắt giảm lương tùy cấp bậc.
Cần “bắt mạch” DN, phân nhóm để cứu
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho rằng, động lực sống khiến các DN tiếp tục cố gắng “vùng vẫy, quẫy đạp” và chờ đợi “phao cứu sinh”. Từ đầu năm 2022 đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo nhiều giải pháp nhằm tạo “phao cứu sinh” cho DN và thị trường BĐS, nhưng các giải pháp vẫn chưa đến được với DN. Nếu tình hình thị trường tiếp tục khó khăn, khả năng 23% DN chỉ duy trì hoạt động được tới hết quý III/2023; 43% DN chỉ trụ được đến hết năm 2023…
Bảo hiểm - ngân hàng - chứng khoán - BĐS vốn được xem là “tứ giác liên thông”. Do mối quan hệ này, nên khi thị trường BĐS rơi vào bi kịch, hệ lụy tiêu cực đến các lĩnh vực còn lại và cả nền kinh tế là không thể tránh khỏi. Các DN, các hiệp hội và nhiều chuyên gia đã nêu nhiều giải pháp, nhưng căn bệnh “trầm kha” đến từ khối nợ đọng quá lớn, DN thiếu nguồn cung, thị trường sụt giảm sức cầu, suy yếu giao dịch (tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường quý I năm 2023 chỉ đạt khoảng 11%, tương đương hơn 2.700 giao dịch, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2022), đã khiến nhiều chủ thể chìm dần trong khó khăn. Trong bối cảnh hiện nay, VARS cho rằng, cần “bắt mạch” DN để phân loại và tập trung cứu chữa kịp thời.
Theo đó, đối với các DN còn lực, còn dấu hiệu hồi sinh, cơ quan chức năng cần giải quyết trực tiếp các vướng mắc, đưa DN thoát khỏi trạng thái nguy hiểm, để DN có thể tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra việc làm và có sản phẩm ra thị trường. Phương án này ưu tiên các DN có dự án cấp thiết, phù hợp với nhu cầu thực, đặc biệt lưu ý hỗ trợ loại DN lớn, có ảnh hưởng lớn đến thị trường.
Đối với các DN yếu, hết năng lực triển khai dự án nhưng đã hoàn thiện cơ bản các thủ tục pháp lý, cơ quan chức năng cần hỗ trợ DN tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư, nhằm mục đích kết nối DN với các nhà đầu tư để thực hiện kêu gọi đầu tư hoặc M&A (mua bán và sáp nhập).
Đối với các DN có dự án tồn đọng nhiều vướng mắc, trong khi không còn đủ năng lực triển khai dự án, Nhà nước cần tính đến giải pháp tạo cơ chế mua lại các dự án của DN. Sau đó, hoàn thiện thủ tục cũng như các vướng mắc tồn đọng, rồi thực hiện đấu giá để lựa chọn các nhà đầu tư mới thực hiện dự án.
Nếu không có giải pháp, khó khăn của thị trường BĐS sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP và chuỗi các ngành nghề trong nền kinh tế. Số liệu từ VARS cho biết, nếu giá trị sản xuất của nhóm ngành BĐS giảm 10%, thì GDP sẽ giảm 1,247%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,861%; ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,366%; ngành du lịch giảm 0,352%; dịch vụ khác giảm 0,348%; ngành công nghiệp khai thác giảm 0,210%… Trong sự suy giảm này, mắt xích yếu nhất và chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất chính là người lao động.