Lộ diện quy mô cao tốc PPP Nha Trang - Liên Khương

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hai địa phương Khánh Hòa và Lâm Đồng vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) - Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) với tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT có sự tham gia vốn nhà nước. Tuyến cao tốc này được kỳ vọng sẽ kết nối 2 trung tâm du lịch lớn của 2 vùng trọng điểm Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Tại Tờ trình số 11614/LT-K-LĐ ngày 15/10/2024, UBND 2 tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng cho biết, hướng tuyến cao tốc Nha Trang - Liên Khương cơ bản tuân thủ theo hướng tuyến quy hoạch của tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2020 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, hướng tuyến có điều chỉnh một số đoạn nhằm bảo đảm yếu tố kinh tế, kỹ thuật phù hợp với định hướng phát triển của địa phương, khắc phục khó khăn địa hình đồi núi, hạn chế diện tích chiếm dụng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng khu vực qua Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Tổng thể tuyến cao tốc Nha Trang - Liên Khương có chiều dài 99 km, điểm đầu giao với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa), điểm cuối tại chân đèo Prenn (điểm cuối cao tốc Liên Khương - Prenn) thuộc Phường 3, TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).

Tuyến cao tốc được chia thành 2 đoạn gồm Nha Trang - Đà Lạt (dài 80,8 km) và Đà Lạt - Liên Khương (dài 18,2 km). Hai tỉnh đề xuất đầu tư đoạn Nha Trang - Đà Lạt trước năm 2030 để ưu tiên kết nối giữa 2 thành phố Nha Trang và Đà Lạt, khắc phục những tồn tại của Quốc lộ 27C hiện hữu. Hướng tuyến tổng thể đoạn qua tỉnh Khánh Hòa (dài 44 km) điều chỉnh về phía Nam so với Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa (đã được phê duyệt). Điểm đầu giao với cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến cao tốc này đi theo hướng Tây - Nam đến Yang Bay. Từ đây, tuyến đổi hướng Tây, bám theo sườn núi nâng dần cao độ lên hầm Khánh Lê (khu vực ranh giới 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng). Đoạn tuyến này nằm hoàn toàn phía Nam và cách Quốc lộ 27C hiện tại khoảng 1 - 7 km. Đối với hướng tuyến tổng thể đoạn qua tỉnh Lâm Đồng (dài khoảng 36,8 km), tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt cơ bản phù hợp với tuyến theo Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, từ hầm Khánh Lê tuyến đi vào khu vực hẹp nhất khoảng 13 km của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, qua hầm Bidoup tuyến đi phía Tả sông Đa Nhim, cắt qua hồ thủy điện Đạ Khai và kết thúc tại ngã ba Darahoa (thuộc Phường 12, TP. Đà Lạt). Đoạn tuyến này nằm hoàn toàn phía Nam và cách Quốc lộ 27C hiện tại khoảng 1 - 4 km.

Mục tiêu đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt nhằm hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối với cao tốc trục dọc Bắc - Nam để phát huy hiệu quả các dự án cao tốc đã và đang đầu tư. Đồng thời, kết nối các trung tâm kinh tế cảng biển đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa động lực không gian phát triển vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật hạ tầng xã hội đồng bộ hiện đại…

Trên toàn tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt dự kiến bố trí 5 nút giao khác mức, liên thông (trung bình 20 km/nút). Trên địa phận tỉnh Khánh Hòa có 2 nút giao với cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại đầu tuyến và giao với đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường ĐT.656 (đường Liên vùng Yang Bay - Tà Gụ). Địa phận tỉnh Lâm Đồng có 3 nút giao với Quốc lộ 27C tại Đạ Chais, Đạ Nhim, ngã ba Đarahoa cuối tuyến.

Theo tính toán của UBND 2 tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng, tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt có quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế từ 80 - 100 km/h, tổng mức đầu tư khoảng 25.058 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.171 tỷ đồng; chi phí xây dựng thiết bị là 18.889 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án tư vấn và chi phí khác khoảng 1.511 tỷ đồng; lãi vay 427 tỷ đồng; chi phí dự phòng 3.060 tỷ đồng.

Tổng nhu cầu sử dụng đất cho Dự án khoảng 627 ha, trong đó, đất ở khoảng 0,7 ha, đất trồng cây hàng năm khoảng 74,1 ha, đất trồng cây lâu năm khoảng 56,4 ha, diện tích đất rừng khoảng 409 ha. Trong các bước triển khai tiếp theo, các địa phương tiếp tục nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong thiết kế, thi công như cầu cạn, tường chắn có đốt hầm, cầu nhịp lớn để giảm thiểu phạm vi chiếm dụng diện tích ảnh hưởng đến rừng. Nếu được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Dự án có thời gian thực hiện từ năm 2024 - 2028.

Về hình thức đầu tư, tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Lâm Đồng đề xuất áp dụng theo phương thức PPP, hợp đồng BOT, cơ chế hỗ trợ vốn nhà nước để thực hiện Dự án. Được biết, UBND 2 tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng đã làm việc với nhà đầu tư (Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải) để đề xuất phương án đầu tư và đã thống nhất tại Văn bản số 518/TB-UBND ngày 15/11/2023 và Văn bản số 583/TB-UBND ngày 14/12/2023 của UBND tỉnh Khánh Hòa. Các địa phương nhận định, qua nghiên cứu, phương án đầu tư Dự án theo phương thức PPP sẽ mang lại các lợi thế như huy động được nguồn lực xã hội, giảm áp lực vốn ngân sách nhà nước; tận dụng được thế mạnh về công nghệ và kinh nghiệm quản lý từ khối tư nhân; phân chia rủi ro hợp lý giữa Nhà nước và Nhà đầu tư trong quá trình đầu tư và khai thác...

UBND 2 tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng cho phép triển khai đầu tư, xây dựng Dự án trước năm 2030; ưu tiên bố trí Dự án vào danh mục đầu tư từ nguồn vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch trung hạn 2026 - 2030 ngành giao thông vận tải; chấp thuận phương án đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT để trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư; giao UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án.

Tin cùng chuyên mục