Ảnh Internet |
Tham vấn nặng hình thức
Báo cáo kết quả công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 công bố mới đây của Bộ Tư pháp cho biết, năm 2015, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã tự kiểm tra 107.463 văn bản và phát hiện 561 văn bản trái luật về thẩm quyền ban hành, nội dung. Trong nửa đầu năm 2016, các tỉnh phía Nam đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.095 văn bản và phát hiện 29 văn bản trái luật.
Riêng hệ thống các văn bản, thủ tục hành chính liên quan hoạt động doanh nghiệp (DN), theo lời ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các DN khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao TP.HCM, đến nay vẫn còn rối rắm. Ông Bé dẫn chứng, Bộ Tài chính còn 1.645 thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp còn 678 thủ tục, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội còn 569 thủ tục, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn 569 thủ tục, Bộ Công Thương còn 548 thủ tục... đối với các loại hình kinh doanh, đầu tư, thương mại và công nghiệp. Theo đánh giá, việc xử lý trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái luật mới chỉ dừng ở mức phê bình, nhắc nhở, kiểm điểm, chưa có các chế tài nghiêm khắc.
Trong bối cảnh còn tình trạng ban hành các văn bản trái luật thì việc tham gia góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật hiện vẫn có nhiều bất cập. Theo đại diện Sở Tư pháp TP.HCM, thời gian lấy ý kiến đối với dự thảo tương đối ngắn, cá biệt có trường hợp nhận được văn bản đề nghị góp ý dự thảo khi đã hết thời hạn lấy ý kiến, nhất là các dự thảo do cơ quan soạn thảo của Trung ương chuyển vào lấy ý kiến. Từ đó đã tạo ra tình trạng một số cơ quan, tổ chức khi được lấy ý kiến chưa thể hiện tinh thần trách nhiệm góp ý, chủ yếu góp ý về hình thức văn bản, chưa tập trung đi sâu vào nội dung dự thảo.
Cần cơ chế phản hồi
Vấn đề đáng mổ xẻ, như lưu ý của ông Vũ Xuân Hưng (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chính là một số quy định ban hành còn thiếu tính thực tế, trong khi hệ thống văn bản về điều kiện kinh doanh có quá nhiều loại và chồng chéo, mâu thuẫn.
Ông Hưng nhấn mạnh, chính sách thay đổi có thể tạo động lực hoặc kìm hãm sự phát triển của DN, điển hình như Nghị định 60/2014/NĐ-CP về ngành in hay Thông tư 23/2015/TT-BKHCN về nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng. Thực tế, chính sách không chỉ đơn thuần là chuyện của “các bác ở Trung ương”, mà là lợi ích sát sườn của DN. Thế nhưng, thách thức lớn cho DN chính là có quá nhiều văn bản điều chỉnh hoạt động của DN và các văn bản này vẫn còn thiếu đồng bộ, làm DN mất nhiều tiền bạc và nguy cơ không mong muốn là “đấu tranh thì tránh đâu” hay “được để ý chăm sóc kỹ hơn”.
Vị đại diện VCCI kiến nghị các DN, hiệp hội nên cùng lên tiếng vận động chính sách cũng như phát hiện các bất cập và truyền tải ý kiến đóng góp đúng chỗ, đúng lúc, đúng phương thức. Với các cơ quan soạn thảo, nhất thiết cần đa dạng đối tượng lấy ý kiến, có trách nhiệm giải trình phần tiếp thu và không tiếp thu.