Phạm Công Danh đã bị đưa ra xét xử vì phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Ảnh: Hoàng Điệp |
Náo loạn bởi các công ty tài chính
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, đối với nhóm tội phạm xâm phạm quản lý kinh tế, chức vụ, tham nhũng, cơ quan điều tra đã phát hiện khởi tố điều tra 854 vụ, hơn 1.100 bị can về tội xâm phạm quản lý trật tự kinh tế; 220 vụ, 447 bị can tội tham nhũng, chiếm 20,28% số vụ và 28,07% số bị can; 22 vụ, 103 bị can phạm tội chức vụ, ít hơn 8,83% số vụ nhưng nhiều hơn 66,13% số bị can.
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh sự gắn kết, đan xen giữa tội phạm hình sự, tội phạm ma túy, kinh tế, tội phạm hình sự núp bóng DN, tội phạm chống người thi hành công vụ với tính chất manh động xảy ra ở một số địa phương. Hành vi phạm tội ngày càng tinh vi diễn ra trong lĩnh vực đấu thầu, tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản…
Chủ trương của Nhà nước là phải tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất kinh doanh, tự do kinh doanh những ngành, nghề pháp luật không cấm, hình thành hàng triệu DN làm ăn chân chính. Tuy nhiên, hiện nay đã xuất hiện các hình thức núp bóng DN để vi phạm pháp luật, gián tiếp ảnh hưởng đến vấn đề an toàn trật tự.
Một số đại biểu cho biết, gần đây các hình thức kinh doanh cầm đồ, công ty tài chính “mọc ra như nấm”, nhưng công tác kiểm soát hoạt động của các DN này hết sức lỏng lẻo. Các công ty tài chính hỗ trợ sinh viên cho vay hết sức dễ dàng, không cần tài sản bảo đảm, chỉ cần có một loại giấy tờ khẳng định địa chỉ và con người ở đâu sẽ được vay tiền.
Câu chuyện cho vay nặng lãi, lãi suất rất cao đã được nói nhiều nhưng không xử lý được. Việc cho vay thực hiện dễ dàng, tiền mặt được đưa ngay nhưng vay chỉ 10 triệu đồng thì giấy ghi nợ 15 triệu đồng, thời hạn trả nợ 30 ngày. Đến hạn không trả được nợ thì “xã hội đen” đến tận nhà. Bây giờ không dừng lại ở đô thị mà ở nhà quê cũng náo loạn bởi chuyện các công ty tài chính hoạt động.
Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ phải có sự chỉ đạo chặt chẽ trong lĩnh vực này và cho rằng đây là vấn đề liên quan đến cuộc sống bình yên của người dân, liên quan đến vấn đề tội phạm phát triển rất mạnh.
Án tham nhũng kéo dài vì trả đi trả lại
Theo báo cáo của tóa án nhân dân các cấp, năm 2017 đã đưa ra xét xử 205 vụ với 433 bị cáo về tội tham nhũng, trong đó có một số vụ án lớn, dư luận đặc biệt quan tâm. Trong đó, có 49 bị cáo phạm tội tham nhũng, chức vụ được hưởng án treo, chiếm tỷ lệ 11,32% trong tổng số 433 bị cáo.
Một số vụ án lớn được dư luận người dân quan tâm đã được đưa ra xét xử như vụ án Phạm Công Danh, vụ án Phạm Ngọc Ngoạn phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; vụ án Trịnh Văn Thắng phạm tội “Đưa hối lộ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; vụ án Giang Kim Đạt phạm tội “Tham ô tài sản”; vụ án Hà Văn Thắm xảy ra tại Ngân hàng OceanBank.
Tuy nhiên, nhiều vụ án tội phạm chức vụ kinh tế vẫn bị kéo dài do tình trạng hồ sơ bị trả nhiều lần. Trong số 45 vụ án do Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, sau đó phân công cho VKSND địa phương thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm, có 32 vụ bị Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung, trong đó, phần lớn là các vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng (chiếm 71,1%). Đây là những vụ án lớn, được dư luận đặc biệt quan tâm. Bởi vậy, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, cần có những giải pháp cụ thể để khắc phục triệt để những hạn chế và nâng cao chất lượng, tiến độ giải quyết đối với loại án này.
Việc phải trả hồ sơ điều tra bổ sung, thậm chí là trả nhiều lần, dẫn đến kéo dài tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng, trong đó hầu hết đều là những vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, đã gây bức xúc trong cử tri và nhân dân.
Trước tình trạng này, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) đề nghị Bộ Công an, VKSND tối cao khẩn trương kết thúc điều tra bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để truy tố, xét xử đối với 32 vụ án kinh tế, tham nhũng bị trả hồ sơ của năm 2017, đảm bảo tiến độ, chất lượng giải quyết vụ án và đáp ứng được sự mong đợi của cử tri trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng. Đồng thời, đề nghị liên ngành tư pháp trung ương có giải pháp nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng.