Lọc hóa dầu Nhơn Hội và các dự án ‘chết lâm sàng’

Cuối cùng thì đại gia Thái Lan - Tập đoàn Dầu khí PTT - đã chính thức xác nhận việc tạm hoãn thực hiện Tổ hợp Lọc hóa dầu Victory Nhơn Hội (Bình Định). Thêm một dự án “chết lâm sàng” dù mới chỉ trong giai đoạn khởi động.
Rà soát các dự án lọc hóa dầu thời điểm này có lẽ là cần thiết để có được quyết định chính xác về việc có nên tiếp tục cấp phép đầu tư các dự án trong lĩnh vực này.
Rà soát các dự án lọc hóa dầu thời điểm này có lẽ là cần thiết để có được quyết định chính xác về việc có nên tiếp tục cấp phép đầu tư các dự án trong lĩnh vực này.

Thông tin được PTT phát đi mới đây, đó là Tập đoàn sẽ tạm hoãn thực hiện Dự án Lọc hóa dầu Victory Nhơn Hội (Bình Định), dự án mà tập đoàn này đã theo đuổi từ năm 2012. Lý do nhìn thấy rất rõ, đó là việc giá dầu thô giảm mạnh khiến không chỉ PTT mà nhiều tập đoàn lớn khác trên thế giới “chùn tay”.

Thực tế, thông tin PTT đang xem xét lại việc đầu tư dự án này đã được ông Nguyễn Ngọc Toàn, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội xác nhận với phóng viên Báo Đầu tư từ đầu năm 2016. Khi ấy, PTT và đối tác của mình trong Dự án là Saudi Aramco (Ả-rập Xê-út) đã “xin một cái hẹn” là tới tháng 6/2016 sẽ trả lời chính thức về việc triển khai Dự án như thế nào, quy mô, tiến độ ra sao.

Giữa năm nay, các cuộc làm việc giữa hai bên đã được tiến hành và thông tin chính thức, được cả phía PTT và Ban quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội xác nhận, là dự án này sẽ được tạm hoãn triển khai. Thậm chí, trong thông cáo được PTT phát đi hôm đầu tháng 7/2016, tập đoàn này cũng công bố việc đối tác Saudi Aramco sẽ chính thức rút khỏi Dự án kể từ ngày 1/7. Và nguyên nhân xuất phát từ việc cho đến thời điểm này, liên doanh các nhà đầu tư chưa tìm được đối tác Việt Nam tham gia Dự án.

Ban đầu, Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội có quy mô vốn 27 tỷ USD, chỉ do PTT đề xuất. Sau đó, năm 2014, PTT chính thức giới thiệu đối tác tham gia Dự án là Saudi Aramco và cả hai bên đã thống nhất điều chỉnh quy mô Dự án xuống còn 22 tỷ USD, đổi tên Dự án thành Lọc hóa dầu Victory, đồng thời lên kế hoạch tìm một đối tác trong nước để triển khai Dự án. Cũng đã có một vài lần, lịch làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Bình Định, chủ đầu tư với đại diện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Petrolimex được sắp đặt, nhưng rồi bất thành.

Theo thông tin từ ông Nguyễn Ngọc Toàn, thì thực tế, PTT không đặt nặng vấn đề tìm đối tác trong nước, mà chỉ có Saudi Aramco. Nay Saudi Aramco xin rút vì không tìm được nhà đầu tư trong nước, chỉ còn PTT, tuy nhiên tập đoàn này khẳng định “vẫn xem Việt Nam như một vị trí chiến lược để đầu tư”, đồng thời chuyển giao để IRPC Public Company Limited (IRPC) tiếp tục nghiên cứu, xem xét việc đầu tư dự án ở Bình Định. PTT sẽ hỗ trợ IRPC trong việc ra quyết định đầu tư này.

Như vậy, số phận Dự án Lọc hóa dầu Victory, dự án mà Bình Định rất kỳ vọng sẽ làm thay đổi kinh tế - xã hội của tỉnh đã chưa thể triển khai. Và trong tình hình hiện nay, giá dầu phập phù, chưa tìm được đối tác tham gia Dự án, thì xem ra, cơ hội để phát triển dự án này không dễ.

Thêm nữa, sau sự cố Formosa, cũng đã có những đề xuất về việc nên xem xét lại toàn bộ các dự án lọc hóa dầu ở Việt Nam, xem thực sự có nên cấp phép các dự án mới không, khi mà thực tế, các dự án này chưa chắc đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế mà lại đe dọa đến bảo vệ môi trường.

Hiện tại ở Việt Nam, mới chỉ có Lọc dầu Dung Quất đã đi vào hoạt động, nhưng lại được xem là kém hiệu quả. Dự án này vẫn đang trong giai đoạn mở rộng, song đối tác Nga Gazprom Neft cũng đã công bố không tham gia Dự án. Trong khi đó, Lọc dầu Nghi Sơn vẫn đang trong quá trình chuẩn bị vận hành. Còn lại các dự án khác, như Lọc dầu Vũng Rô, Hóa dầu Long Sơn, Lọc dầu Cần Thơ vẫn chưa được triển khai. Thậm chí, Hóa dầu Long Sơn cũng đang chật vật tìm kiếm nhà đầu tư thay thế, sau khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Qatar rút lui…

Rà soát lại các dự án lọc hóa dầu trong thời điểm này có lẽ là cần thiết để Việt Nam có được quyết định chính xác về việc nên hay không tiếp tục cấp phép đầu tư các dự án trong lĩnh vực này.

Thêm vào đó, sau câu chuyện của Lọc hóa dầu Victory Nhơn Hội, một thực tế cũng cần được xem xét, đó là dường như các dự án quy mô càng lớn thì “tính ảo” cũng càng nhiều và nguy cơ đổ vỡ cũng không nhỏ. Bài học từ các dự án tỷ USD bị rút giấy chứng nhận đầu tư trong thời gian qua chính là một lời cảnh báo.

Lọc hóa dầu Victory “chết lâm sàng”, nhưng dù sao cũng vẫn chỉ là dự án chưa được triển khai, thậm chí chủ đầu tư còn chưa nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư. Câu hỏi đặt ra là, có bao nhiêu dự án đã được cấp phép rồi mà đang trong tình trạng tương tự?

Chỉ một vài ví dụ, chẳng hạn Dự án Guang Lian Dung Quất, vốn đầu tư 3 tỷ USD; hay Thép Kobelco 1 tỷ USD ở Nghệ An; rồi các dự án hàng tỷ USD của Berjaya (Malaysia) ở TP.HCM, Đồng Nai… đã cho thấy số lượng dự án ảo là không nhỏ.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế đến ngày 20/6/2016, Việt Nam đã thu hút được gần 21.400 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 293 tỷ USD. Nhưng chắc chắn một điều, số vốn giải ngân chỉ chiếm phân nửa số vốn đăng ký này. Nhiều dự án FDI đã “chết lâm sàng” không thể triển khai mà chưa bị rút phép. Có nên “làm sạch” các dự án này để các con số thống kê về FDI vào Việt Nam không còn ảo nữa hay không?

Tin cùng chuyên mục