Lợi ích kép cho nhà thầu tích hợp dữ liệu điện tử

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (TT08) vừa được Bộ KH&ĐT ban hành có nhiều điểm mới. Trong đó, thu hút sự quan tâm, đồng thuận của cả nhà thầu lẫn các bên mời thầu (BMT) là quy định liên quan đến đánh giá tình hình tài chính của nhà thầu.
Liên thông giữa Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với Hệ thống thuế điện tử cũng như Hệ thống ĐKDN giúp đánh giá tình hình tài chính của nhà thầu hiệu quả. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Liên thông giữa Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với Hệ thống thuế điện tử cũng như Hệ thống ĐKDN giúp đánh giá tình hình tài chính của nhà thầu hiệu quả. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Một trong những điểm mới của TT08 là việc tích hợp, liên thông giữa Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với Hệ thống thuế điện tử cũng như Hệ thống đăng ký doanh nghiệp, qua đó giúp đánh giá tình hình tài chính của nhà thầu hiệu quả, chính xác.

Theo dõi của phóng viên Báo Đấu thầu, thời gian qua, rất nhiều BMT yêu cầu chứng minh tình hình tài chính bằng một văn bản mà pháp luật về đấu thầu không đề cập. Cụ thể, BMT đưa vào yêu cầu nhà thầu nộp văn bản hoàn thành nghĩa vụ thuế, thậm chí văn bản xác nhận không nợ thuế…, gây nên nhiều bức xúc, dẫn đến kiến nghị kéo dài, phức tạp.

Có thể kể đến Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Cao Bằng loại 4 nhà thầu lớn tại gói thầu giao thông gần 700 tỷ đồng. Các doanh nghiệp gồm: Liên danh Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường - Công ty CP Đầu tư thương mại và Xây dựng giao thông 1; Tổng công ty 36; Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn; Liên danh Công ty CP Tập đoàn Xây dựng miền Trung – Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 đều bị loại bởi cùng một lý do và liên quan trực tiếp đến văn bản xác nhận của cơ quan thuế. Lý do được BMT đưa ra là các nhà thầu chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Trong khi đó, các nhà thầu cho biết đã nộp văn bản xác nhận của cơ quan thuế là không nợ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế môn bài theo kê khai, theo các khoản thuế được thông báo phải nộp vẫn không được đánh giá đạt.

Gói thầu 7a - Đấu thầu thi công hơn 5km đường nối từ QL50 vào cảng Long An từng khiến một nhà thầu liên tục kiến nghị vì yêu cầu văn bản không nợ thuế.

Tại Gói thầu số 02 Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp đường Tỉnh lộ 424 (76 cũ) từ chợ Bến (Hòa Bình) đến khu du lịch Quan Sơn (Km2+200 - Km3+800), huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội, HSMT yêu cầu nhà thầu phải nộp cùng với hồ sơ dự thầu “văn bản xác nhận của cơ quan thuế về việc thực hiện hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế”.

Tại Gói thầu số 02 Chi phí xây lắp thuộc Dự án Nhà hiệu bộ 2 tầng, nhà lớp học và các hạng mục phụ trợ Trường Mầm non xã An Tiến, huyện Mỹ Đức, trong Bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực tài chính và kinh nghiệm, mục 3.1 quy định: “Nhà thầu phải có xác nhận không nợ thuế”.

Cải tiến vượt bậc

Theo quy định, nhà thầu phải nộp báo cáo tài chính tương ứng với các kỳ kế toán đã hoàn thành của các năm theo yêu cầu của HSMT, kèm theo là bản chụp được chứng thực một trong các tài liệu sau đây: biên bản kiểm tra quyết toán thuế; tờ khai tự quyết toán thuế (thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp) có xác nhận của cơ quan thuế về thời điểm đã nộp tờ khai; tài liệu chứng minh việc nhà thầu đã kê khai quyết toán thuế điện tử; văn bản xác nhận của cơ quan quản lý thuế (xác nhận số nộp cả năm) về việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế; báo cáo kiểm toán (nếu có).

Theo đó, pháp luật về đấu thầu không có quy định yêu cầu nhà thầu phải có xác nhận của cơ quan quản lý thuế về việc hoàn thành nghĩa vụ thuế hoặc xác nhận không nợ đọng thuế.

Việc các BMT lạm dụng, yêu cầu nhà thầu cùng lúc cung cấp quá nhiều tài liệu để chứng minh tình hình tài chính đã khiến nảy sinh bất cập, dẫn tới khó khăn, tăng chi phí khi lập HSDT cho các nhà thầu.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM cho biết, Mẫu 1A của Thông tư số 08 thực sự đã cải tiến nhiều cho cả BMT lẫn nhà thầu trong khâu đánh giá tình hình tài chính liên quan đến nghĩa vụ thuế. “Việc Hệ thống mua sắm công liên thông với Hệ thống thuế điện tử, đăng ký doanh nghiệp sẽ giúp BMT đánh giá tình hình tài chính của nhà thầu khách quan, minh bạch, có hậu kiểm, có bên thứ 3 xác thực. Điều này sẽ giúp BMT có đánh giá chính xác năng lực của nhà thầu, trực tiếp qua kênh dữ liệu công”, vị đại diện cho biết.

Trong khi đó, từ phía nhà thầu, đại diện công ty CP Xây dựng Thương mại Thới Bình cho rằng, việc Hệ thống tự động trích xuất số liệu tài chính trên cơ sở năm tài chính của nhà thầu, thông tin từ Hệ thống thuế điện tử sẽ giúp nhà thầu thuận lợi rất nhiều khi lập HSDT. Theo đó, chi phí, thời gian sẽ tiết kiệm nhiều hơn. Các BMT không thể tự ý đưa ra các yêu cầu khác như văn bản xác nhận không nợ thuế để làm khó nhà thầu.

Tin cùng chuyên mục