Hơn 100 GW công suất năng lượng tái tạo dự kiến được đấu thầu trên toàn cầu trong năm 2024, trong đó có hơn 60 GW điện gió ngoài khơi. Ảnh: Văn Thịnh |
Cơ hội trên thị trường rộng lớn
Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) Lê Mạnh Cường cho biết, PTSC đang đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho phép khảo sát 2 khu vực biển để nghiên cứu phát triển dự án điện gió ngoài khơi với mục tiêu xuất khẩu điện sang Singapore. PTSC là doanh nghiệp đã và đang tham gia đấu thầu quốc tế hàng loạt dự án NLTT ngoài khơi tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu và đang hướng tới châu Úc.
Thực tế, hành trình của PTSC vươn từ vị trí thầu phụ, thầu chính, tổng thầu trong nước và tham gia cung cấp vật tư, linh kiện, thi công cho nhà thầu quốc tế, tiến tới đấu thầu quốc tế trọn gói trong lĩnh vực NLTT đã trải dài hơn 30 năm. Trong năm 2023, PTSC ký kết hợp đồng chế tạo và cung cấp chân đế điện gió ngoài khơi cho Dự án CHW2204 (thuộc vùng biển Đài Loan). Công ty cũng đã thắng thầu quốc tế gói thầu thiết kế, mua sắm và chế tạo 2 trạm biến áp ngoài khơi (offshore substation - OSS) cho Dự án Điện gió ngoài khơi Hai Long 2 và 3 tại Đài Loan. PTSC là nhà thầu trúng gói tổng thầu EPCI Dự án Al Shaheen giá trị lên đến hàng trăm triệu USD do Nhà điều hành dầu khí North Oil Company (Qatar) làm Chủ đầu tư…
Ông Lê Mạnh Cường chia sẻ, PTSC rất kỳ vọng vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. “Từ Quy hoạch điện VIII, PTSC đề xuất UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xem xét ủng hộ các dự án điện gió ngoài khơi; đồng thời, có văn bản kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét đề xuất của PTSC và đối tác về khảo sát khu vực biển cho dự án, giấy phép xuất khẩu điện cũng như các giấy phép khác liên quan đến việc triển khai dự án. Đây đều là dự án quy mô lớn, lên đến hàng chục tỷ USD nên sẽ mang lại nguồn thu rất lớn, thu hút đầu tư nước ngoài, tạo công ăn việc làm, có sức lan toả để hình thành nên chuỗi cung ứng nội địa cho điện gió ngoài khơi”, ông nói. Tổng giám đốc PTSC tin rằng, các dự án điện gió ngoài khơi nếu được triển khai hiệu quả sẽ tạo cơ hội cho Bà Rịa - Vũng Tàu tiên phong trong quá trình chuyển dịch nguồn năng lượng. Ông Cường kỳ vọng, các dự án mới sẽ tạo môi trường đấu thầu cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả giữa các doanh nghiệp có tiềm lực trong lĩnh vực NLTT.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận cho biết, đấu thầu phát triển các dự án NLTT, trong đó có điện gió, là hình thức minh bạch, bảo đảm cơ hội công bằng cho tất cả các nhà đầu tư. Đây cũng là xu thế chung của thế giới.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực NLTT, năm 2018 có khoảng 48 quốc gia tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án NLTT, đến năm 2023, số quốc gia sử dụng hình thức này đã tăng lên đến trên 80. Báo cáo của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa kỳ (USAID) cho thấy, kết quả trao thầu cho một số dự án được phát triển thông qua đấu thầu có giá cạnh tranh thấp kỷ lục như trong năm 2017, các dự án điện mặt trời được trao thầu tại Mexico với giá 1,9 cents/kWh, tại Chilê có mức giá 2,1 cents/kWh, Arab Saudi là 2,3 cents/kWh và Abu Dhabi/UAE là 2,4 cents/kWh…
Thông qua đấu thầu rộng rãi, các chủ đầu tư có nhiều sự lựa chọn và việc lựa chọn được nhà thầu uy tín, chất lượng là yếu tố quan trọng nhất để dự án thành công, tránh những rủi ro về chất lượng, rủi ro về môi trường trong tương lai.
Theo báo cáo mới đây đăng tải trên Trang thông tin phân tích dữ liệu công nghiệp Wood Mackenzie, hơn 100 GW công suất NLTT dự kiến sẽ được đấu thầu trên toàn cầu trong năm 2024, trong đó có hơn 60 GW điện gió ngoài khơi. Đây là cơ hội cho các nhà thầu Việt có năng lực. Để biến cơ hội thành hiện thực, nhà thầu rất cần những hỗ trợ về chính sách NLTT cũng như ủng hộ của các địa phương có tiềm năng triển khai dự án để hiện thực hóa hành trình đấu thầu, trúng thầu các dự án NLTT quy mô quốc tế.
Tăng giá trị chuỗi cung ứng nội địa
Theo ý kiến của PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), phương án đấu thầu các dự án NLTT cần sớm được triển khai khi các quy định giá FIT dần được bãi bỏ. Đấu thầu dự án NLTT là phương án tối ưu nhằm ngăn tình trạng loại hình năng lượng này phát triển ồ ạt, gây lãng phí và tắc nghẽn lưới truyền tải. Thông qua đấu thầu rộng rãi, các chủ đầu tư có nhiều sự lựa chọn và việc lựa chọn được nhà thầu uy tín, chất lượng là yếu tố quan trọng nhất để dự án thành công, tránh những rủi ro về chất lượng, rủi ro về môi trường trong tương lai. “Đây là cách làm nhiều nước trên thế giới đã áp dụng để phát triển, duy trì hệ thống năng lượng bền vững”, ông Long nói.
Trao đổi với phóng viên, một số nhà đầu tư trong lĩnh vực NLTT chia sẻ, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án NLTT nếu được thực hiện công khai, minh bạch sẽ thúc đẩy các bên liên quan phối hợp chặt chẽ, ràng buộc bằng hợp đồng, chia sẻ rủi ro, tránh gây thiệt hại cho nhà đầu tư. “Hồ sơ mời thầu mỗi dự án NLTT sẽ có định lượng cụ thể về công suất, phát triển đúng quy hoạch từng giai đoạn, cho mỗi vùng miền để trở thành tiêu chí mời thầu. Đồng thời, NLTT nói riêng, năng lượng nói chung là lĩnh vực có tỷ lệ nội địa hóa rất cao. Đây là giải pháp vô cùng hữu hiệu để giúp nhà thầu, nhà đầu tư Việt Nam phát triển, gia tăng chuỗi cung ứng nội địa, tăng hiệu quả của kinh tế tuần hoàn”, một nhà đầu tư cho biết.
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đã xác định cụ thể nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương, trong đó, với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng giao nghiên cứu đề xuất cấp thẩm quyền ban hành quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án điện gió ngoài khơi, các dự án sản xuất hydrogen/amoniac sử dụng điện gió ngoài khơi, dự án xuất khẩu điện gió ngoài khơi. Phối hợp xây dựng cơ chế đấu thầu công khai, minh bạch để lựa chọn các chủ đầu tư thực hiện các dự án điện, hướng dẫn các địa phương thực hiện…