Không chỉ Bình Định, Quảng Ngãi lúng túng trong công bố giá vật liệu, mà nhiều tỉnh, thành có tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua cũng trong tình trạng tương tự. Ảnh minh họa: Nhã Chi |
Dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có chiều dài 88 km, trong đó, đoạn qua địa bàn Quảng Ngãi dài 60,3 km, đoạn qua tỉnh Bình Định dài 27,7 km.
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tuyến cao tốc qua Quảng Ngãi kéo dài từ huyện Tư Nghĩa đến hết địa bàn thị xã Đức Phổ, việc phân chia gói thầu như thế nào, công trình cầu cống nằm ở vị trí nào, đoạn tuyến như thế nào chưa có vị trí chính xác nên việc xác định giá vật liệu đến chân công trình không thể thực hiện được.
Ngoài ra, theo ông Hồng, việc xác định các dữ liệu đầu vào để tính toán giá VLXD đến chân công trình là do chủ đầu tư quyết định, dựa trên cơ sở phân tích kết quả khảo sát, tính toán và đề xuất của đơn vị tư vấn.
Do đó, tỉnh Quảng Ngãi chưa có đủ cơ sở, thẩm quyền để công bố giá vật liệu đến chân công trình. “Một số loại vật liệu đặc thù sử dụng cho công trình giao thông theo yêu cầu kỹ thuật riêng của chủ đầu tư không được sản xuất, cung ứng phổ biến trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, nên địa phương không có cơ sở để công bố giá”, ông Hồng khẳng định.
Trong khi đó, tại Bình Định, UBND tỉnh này cũng đã có văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng ký, gửi Bộ Giao thông vận tải cho rằng, liên Sở Xây dựng - Tài chính Bình Định chỉ thực hiện công bố giá đối với các loại VLXD chủ yếu, phổ biến, có bán trên địa bàn Tỉnh. Giá các loại vật tư, vật liệu được công bố tại chân công trình hoặc nguồn cung cấp (theo thông tin của doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật liệu).
UBND tỉnh Bình Định kiến nghị, đối với các loại vật liệu không thuộc danh mục VLXD có trong hệ thống định mức, VLXD phải qua gia công, chế tạo; VLXD đặc thù, không có sẵn trên địa bàn mà do nhập từ địa phương khác hoặc vật liệu nhập khẩu; trang thiết bị điện, thiết bị công nghệ, thiết bị đo lường, đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Chủ đầu tư tổ chức xác định giá theo quy định tại mục 1.2.1, Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng.
Theo UBND tỉnh Bình Định, đối với chi phí vận chuyển VLXD từ nguồn đến chân công trình, các ban quản lý dự án giao đơn vị tư vấn căn cứ các định mức vận chuyển từ nơi cung cấp đến chân công trình theo quy định tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng, để so sánh lựa chọn các phương án tối ưu về loại vật liệu, điểm cung cấp vật liệu, điểm tập kết vật liệu, phương tiện vận chuyển, cung đường vận chuyển nhằm đạt hiệu quả chi phí.
Trước những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, ông Lê Minh Nam thuộc Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, không chỉ Bình Định, Quảng Ngãi có văn bản kiến nghị về bất cập trong công bố giá vật liệu, mà nhiều tỉnh, thành có tuyến cao tốc đi qua cũng trong tình trạng tương tự.
Về hướng xử lý, theo ông Nam, Chủ đầu tư đang thực hiện đấu thầu chọn đơn vị tư vấn thiết kế kỹ thuật để tư vấn đưa ra phương án tối ưu. Về phía Ban Quản lý dự án 2, nhiệm vụ là xác định vị trí, trữ lượng mỏ vật liệu, sau khi thiết kế tuyến xong mới tính bình quân cự ly vận chuyển.
“Tư vấn thiết kế kỹ thuật sẽ tính toán chính xác khoảng cách từ mỏ vật liệu đến chân công trình, sau đó làm việc với địa phương về giá vật liệu, nếu địa phương không có giá thì phải lấy báo giá về công bố theo quy định; rồi hạ tầng giao thông có đường nào để đi vào công trình, chưa có đường thì phải xây đường công vụ, có rồi thì mượn tạm và lên phương án hoàn trả mặt đường… Những vấn đề này khi đã có kết quả mới lên được giá thành vật liệu vận chuyển đến chân công trình. Có thể phải đến tháng 9/2022 mới có thể áp đơn giá vào vật liệu. Tháng 10/2022, khi hoàn thành khâu thẩm định, thiết kế kỹ thuật dự án, mới có giá vật liệu để công bố cùng với công bố các hạng mục khác của Dự án”, ông Nam cho biết.