Một số doanh nghiệp chưa hoàn toàn yên tâm tin tưởng về vấn đề an toàn, bảo mật của hoá đơn điện tử khi thực hiện trên môi trường Internet. Ảnh: NC st |
Về việc áp dụng hóa đơn điện tử, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuộc Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định của Nghị định 119, từ tháng 11/2020, hóa đơn giấy sẽ chính thức khai tử hoàn toàn và chuyển sang dùng hóa đơn điện tử. Như vậy, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán hàng phải xuất hóa đơn điện tử cho người mua mà không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa.
Thời điểm lập hóa đơn hàng hóa điện tử là khi người bán ký chữ ký số điện tử trên hóa đơn và giao hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua. Không phân biệt việc đã thu được tiền hay chưa. Hóa đơn điện tử được chuyển đổi thành chứng từ giấy chỉ có 1 lần và chỉ sử dụng khi quản lý hàng hóa lưu thông trên đường. Tuy nhiên, chứng từ này có giá trị lưu giữ, lưu sổ theo dõi, không dùng để thanh toán và xác định nghĩa vụ thuế.
Khi sử dụng hóa đơn điện tử, dữ liệu về hóa đơn điện tử đã có trong hệ thống quản lý của cơ quan thuế. Lúc đó, các cơ quan chức năng khác như quản lý thị trường... sẽ truy cập vào hệ thống để kiểm tra chứ không được yêu cầu doanh nghiệp xuất trình hóa đơn giấy như hiện nay nữa.
Trong thời gian từ 1/11/2018 đến 31/10/2020, nếu cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh chuyển đổi để áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 119 và Thông tư 68 nhưng cơ sở kinh doanh chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin và tiếp tục sử dụng hóa đơn giấy thì phải gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế cùng với việc nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng.
“Căn cứ vào dữ liệu này, cơ quan thuế xây dựng dữ liệu hóa đơn của các cơ sở sản xuất kinh doanh để đưa vào cơ sở dữ liệu hóa đơn và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để phục vụ việc tra cứu dữ liệu hóa đơn”, ông Huy cho biết.
Theo Tổng cục Thuế, hiện mới có 255 doanh nghiệp tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng thực hiện thí điểm áp dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế.
Theo cơ quan thuế, nhiều doanh nghiệp vẫn còn chần chừ với hóa đơn điện tử bởi một số lý do: việc áp dụng hoá đơn điện tử đòi hỏi doanh nghiệp phải có hệ thống máy móc, trang thiết bị kỹ thuật công nghệ thông tin và nguồn nhân lực tương thích...; một số doanh nghiệp chưa hoàn toàn yên tâm tin tưởng về vấn đề an toàn, bảo mật của hoá đơn điện tử khi thực hiện trên môi trường Internet…
Nhận được nhiều phản hồi từ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) chia sẻ: “Thông tư 68 đã được áp dụng từ ngày 14/11/2019 song đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn lúng túng với một số quy định về định dạng, nhiều doanh nghiệp cho biết không thể kết nối được. Một số vấn đề cần sửa đổi, bổ sung và thống nhất về định dạng mới có thể chuyển đổi từ sử dụng hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử thông suốt được”.
Trước các ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, Nghị định 119 quy định về hóa đơn điện tử đã được ban hành và được hướng dẫn bởi Thông tư 68. Tuy nhiên, Luật Quản lý thuế vừa được Quốc hội thông qua cũng có một số nội dung mới về hóa đơn điện tử và chứng từ điện tử. Do đó, Quốc hội đã giao cho Chính phủ có hướng dẫn chi tiết hơn về chứng từ điện tử và hóa đơn điện tử.
Vì vậy, Bộ Tài chính sẽ phải xây dựng một nghị định trình Chính phủ để thay thế Nghị định 119. Những nội dung của Thông tư số 68 mang tính chất quy định về thủ tục hành chính sẽ nâng lên cấp nghị định để hướng dẫn cụ thể, trong đó có quy định thực hiện hóa đơn điện tử trong một số trường hợp đặc biệt như: thanh toán tiền điện, tiền nước thì lập hóa đơn, chứng từ điện tử như thế nào, cách kê khai và nộp thuế như thế nào cho phù hợp.