Hội đồng Tiền lương Quốc gia với đại diện của cả giới chủ, người lao động và cơ quan quản lý vừa thống nhất đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 lên Chính phủ phê duyệt. Theo đó, mức lương tối thiểu cho người lao động trong năm sau sẽ là 3,75 triệu đồng, 3,1 triệu đồng, 2,7 triệu đồng và 2,4 triệu đồng, tương ứng với các vùng I, II, III và IV. Như vậy, trong vòng một thập kỷ qua, mức tăng bình quân 7,3% của năm 2017 là thấp nhất.
Đơn vị: triệu đồng, (*) Áp dụng theo phân vùng I-IV, (**) Mức dự kiến
Ở góc độ đại diện cho người lao động, ông Mai Đức Chính - Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết chưa hài lòng với mức tăng này. “Thực lòng chúng tôi muốn mức tăng thấp nhất cũng phải 8,5%, vì đề xuất ban đầu 11,11% được đưa ra dựa trên tính toán thực tế cuộc sống của người lao động hiện nay”, ông Chính tâm tư.
Vị này cũng dẫn lại kết quả khảo sát của Tổng liên đoàn có đến hơn 14% công nhân nói họ không đủ sống; khoảng 35% công nhân nói đủ sống nhưng phải chịu kham khổ; còn trên 35% tạm đủ sống và chỉ có trên 14% là có tích lũy chút ít. "Mức lương hiện tại thấp khiến cuộc sống công nhân tại các khu công nghiệp quá chật vật", vị lãnh đạo này tiếp lời.
Làm việc tại một công ty chuyên gia công, xuất khẩu may mặc tại Khu công nghiệp Phố Nối A (tỉnh Hưng Yên), chị Thu Hằng cho biết đón nhận tin này với tâm trạng hụt hẫng bởi chờ đợi mức tăng cao hơn. Làm việc đã 3 năm nay lương hiện tại của chị vẫn chỉ loanh quanh mức 3,5 triệu đồng. Nếu lương tăng thêm 7,3% thì mỗi tháng chị có thêm khoảng 210.000 đồng. Số tiền này tạm đủ với người chưa lập gia đình và sống ở ngoại thành như chị. Còn nếu là gia đình có con nhỏ thì vẫn rất khó khăn. Chưa kể mỗi lần lương chưa tăng là giá đã tăng mạnh trước đó.
Tăng lương là niềm vui của người lao động, nhưng lại là nỗi buồn của giới chủ khi phải lo gánh thêm phí đóng bảo hiểm xã hội và hàng loạt chi phí khác, trong lúc "túi tiền" không rủng rỉnh.
Theo tính toán của Hội đồng Tiền lương quốc gia, với mức tăng 7,3%, bình quân chi phí doanh nghiệp sẽ tăng thêm 0,31%. Riêng khối doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, thủy sản…, chi phí dự kiến sẽ tăng thêm 2%.
“Dệt may, thủy sản cũng là lĩnh vực chịu nhiều tác động lớn bởi năm nay là cực kỳ khó khăn với doanh nghiệp khi đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh”, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội - Phạm Minh Huân, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia đánh giá.
Khi vừa đề cập tới chuyện lương tối thiểu sẽ tăng vào năm tới, ông Nguyễn Văn Thời - Tổng giám đốc Công ty CP May Xuất khẩu Thái Nguyên không giấu tiếng thở dài. "Chúng tôi đã nói, đã nêu ý kiến rất nhiều, hiện giờ các doanh nghiệp dệt may hiện đang rất khó khăn, chỉ cần tăng thêm gánh nặng bất kỳ chi phí nào cũng sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa… Song tiếc là ý kiến không tác động nhiều”, ông nói.
Lương tối thiểu tăng liên quan tới mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, còn lương thực tế doanh nghiệp chi trả thường cao hơn mức tối thiểu. Trong khi đó, nếu lương tăng thêm 7,3% doanh nghiệp phải chịu thêm gần 10% chi phí bảo hiểm xã hội so với năm nay, chưa kể chi phí khác.
Với hơn 12.000 công nhân, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Thời tính toán mỗi tháng, công ty ông sẽ phải chi thêm khoảng nửa tỷ đồng tiền đóng bảo hiểm xã hội. "Đây là con số không nhỏ. Đáng lý lãi được 10 đồng thì nay chỉ còn phân nửa", ông Thời bày tỏ.
"Tăng lương vui đâu chưa thấy nhưng nhãn tiền trước mắt là các doanh nghiệp nhỏ sẽ càng bồi thêm khó khăn, khó trụ vững. Lương tăng một người vui, nhưng cả chục người buồn vì bị mất việc làm", vị Tổng giám đốc Công ty May xuất khẩu Thái Nguyên giải thích.
Dệt may là một trong những ngành đề xuất không tăng lương tối thiểu vì quá khó khăn. Ảnh: T.L
Kém vui cũng là tâm trạng của Giám đốc một công ty may mặc tại Hưng Yên. Theo vị này, tiền trả lương và các khoản bảo hiểm chiếm khoảng 30% tổng chi phí của doanh nghiệp. "Để có đơn hàng sản xuất, doanh nghiệp liên tục phải hạ giá bán để cạnh tranh, trong khi giá nguyên liệu đầu vào không ngừng tăng. Biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp nói chung, dệt may nói riêng là rất mỏng", ông tâm sự.
Do đó, dù lương tối thiểu được quyết định tăng, nhưng nếu doanh nghiệp không có đủ khả năng chi trả thì người lao động cũng không được hưởng mức lương tăng. Thậm chí, các doanh nghiệp cho rằng việc này có thể dẫn tới quyết định cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất. Theo tính toán của vị Giám đốc này, số tiền nộp bảo hiểm xã hội năm 2015 của công ty ông đạt gần 80 tỷ đồng, nếu lương tăng thêm 7,3% thì sẽ phải nộp thêm gần 6 tỷ đồng nữa. Với tình hình khó khăn của ngành dệt may hiện tại, điều này nghĩa là sẽ có rất nhiều người lao động thay vì chưa kịp mừng vui vì lương tăng đã mất việc làm.
Tỏ ra cảm thông với ông chủ các doanh nghiệp, đại diện cho giới chủ tham gia đàm phán phương án tăng lương lần này, ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thừa nhận, tăng lương tối thiểu sẽ khiến doanh nghiệp thêm chi phí đóng bảo hiểm xã hội khi nền lợi nhuận đang khá mỏng, nhưng cũng phải chấp nhận để nâng cao năng lực nội tại của mình.
"Chúng tôi muốn rằng doanh nghiệp thấy đó là mức để phấn đấu. Cần phải tiết giảm những vấn đề có thể giảm được", Phó chủ tịch VCCI bình luận. Vị này cũng cho rằng, để mỗi lần tăng lương cả xã hội không nháo nhác, cần phải có các công cụ, chính sách hỗ trợ kèm theo để tránh điệp khúc "té nước theo lương".
Rút kinh nghiệm ở lần tăng lương sắp tới, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho hay, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội sẽ sớm có cuộc họp bàn với các cơ quan chức năng để tìm ra phương án nhằm hạn chế tình trạng này.
Về phía doanh nghiệp, Tổng giám đốc Công ty May xuất khẩu Thái Nguyên mong muốn, ngoài vấn đề tăng lương tối thiểu, VCCI cùng các cơ quan chức năng cũng cần tính đến các biện pháp hỗ trợ một cách quyết liệt hơn, để doanh nghiệp hoạt động tốt, đáp ứng được yêu cầu chi trả lương tối thiểu. Ngược lại, bản thân doanh nghiệp cũng cần đổi mới khoa học công nghệ, tận dụng những cơ hội đang có để nâng cao được năng lực cạnh tranh.