Mạnh tay với dự án ODA chậm tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 7 tháng đầu năm 2021, các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài giải ngân rất chậm. Những giải pháp mạnh sẽ tiếp tục được thực hiện để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này. Trong chỉ đạo mới đây của lãnh đạo Chính phủ, những dự án chậm trễ phải đề xuất cắt giảm, điều chuyển vốn ngay trong tháng 8 này.
Giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 7 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 7,52% kế hoạch (cùng kỳ năm 2020 đạt 17,15%). Ảnh: Song Lê
Giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 7 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 7,52% kế hoạch (cùng kỳ năm 2020 đạt 17,15%). Ảnh: Song Lê

Theo Bộ Tài chính, giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 7 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 7,52% kế hoạch (cùng kỳ năm 2020 đạt 17,15%). Có nhiều nguyên nhân giải ngân chậm như: chậm giải phóng mặt bằng, giá vật liệu tăng cao, dịch Covid-19 bùng phát, thì đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài, còn có vướng mắc rất lớn về thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, hiệp định vay. Chậm trễ trong công tác đấu thầu, ký hợp đồng, giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu do khác biệt giữa hợp đồng FIDIC và quy định trong nước tiếp tục là vấn đề nổi cộm của nhiều dự án sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi. Một số nguyên nhân khác là sự chậm trễ trong xác nhận khối lượng hoàn thành, hoàn thiện thủ tục thanh toán; vướng mắc trong triển khai các quy định mới liên quan tới quy trình quản lý định mức đầu tư, sử dụng vốn dư và cơ chế tài chính của các dự án sử dụng vốn nước ngoài…

Từ đầu năm 2021, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, giải pháp để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này. Mới đây, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, coi đây là nhiệm vụ chính trị của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và tài chính ngân sách năm 2021 được giao.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ đạo các đơn vị tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đề ra, phải thực hiện cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn được giao và khẩn trương có văn bản đề xuất gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Tài chính trong tháng 8/2021 để báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ. Các bộ ngành, địa phương chỉ đạo chủ dự án khẩn trương hoàn tất thủ tục về đầu tư, xây dựng, di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, hợp đồng, xin ý kiến “không phản đối” của nhà tài trợ, đặc biệt là các tranh chấp hợp đồng (nếu có) để có khối lượng hoàn thành, đủ điều kiện thanh toán và gửi hồ sơ giải ngân, rút vốn tới Bộ Tài chính…

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ KH&ĐT căn cứ chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 63/NQ-CP tổ chức kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, trong đó chú trọng các dự án lớn, các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Bộ Tài chính thực hiện thẩm định, đánh giá khoản vay, chủ động làm việc với các nhà tài trợ giải quyết kịp thời các vướng mắc về giải ngân. Cải cách, đơn giản hóa trình tự, thủ tục luân chuyển hồ sơ trong thanh toán, giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Trước đó, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính có công văn gửi các cơ quan chủ quản có dự án chậm tiến độ giải ngân phải trả các khoản phí cam kết, phí quản lý.

Bên cạnh những giải pháp thúc đẩy giải ngân, việc ký hiệp định vay mới trong thời gian tới cũng sẽ phải siết chặt, tránh việc vay về mà chưa tính đến khả năng hấp thụ, thực hiện, dẫn đến chậm giải ngân. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, các cơ quan chủ quản chương trình, dự án vay vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan thẩm định kỹ sự cần thiết, tính khả thi, phương án thực hiện của dự án, phương án bố trí mặt bằng trước khi đề xuất ký hiệp định vay.

Để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, Bộ KH&ĐT đã xây dựng, gửi lấy ý kiến Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thiện thẩm định Dự thảo Nghị định trước ngày 20/8/2021. Bộ KH&ĐT chủ trì, hoàn thiện Dự thảo Nghị định, trình Chính phủ trước ngày 31/8/2021.

Tin cùng chuyên mục