Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tăng trưởng huy động tiếp tục cao hơn tăng trưởng tín dụng, thanh khoản của các ngân hàng khá dồi dào, lãi suất điều hành đã qua 3 đợt giảm và hiện ở mức thấp là những yếu tố cho thấy lãi suất điều hành khó giảm tiếp dù lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng có thể còn đi xuống từ nay đến cuối năm.
Tính đến giữa tháng 8, tổng huy động vốn của hệ thống ngân hàng tăng 6,29%, tín dụng tăng 4,13% so với cuối năm 2019. Ảnh: Lê Tiên
Tính đến giữa tháng 8, tổng huy động vốn của hệ thống ngân hàng tăng 6,29%, tín dụng tăng 4,13% so với cuối năm 2019. Ảnh: Lê Tiên

Phổ biến xu hướng lãi suất thấp

Ngày 17/9, kết thúc cuộc họp về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) công bố duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất dài hạn ở mức khoảng 0%. Trước đó ít giờ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng đưa ra thông điệp là sẽ duy trì chính sách lãi suất ở mức 0% đến năm 2023.

Bình luận về động thái điều hành chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới và tác động với Việt Nam, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, xu hướng giữ lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ khôi phục kinh tế là khá phổ biến, và Việt Nam cũng tương tự. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) là phù hợp với bối cảnh của nền kinh tế hiện nay và ít có khả năng cơ quan này tiếp tục giảm lãi suất điều hành sau khi đã thực hiện 3 lần giảm lãi suất từ đầu năm đến nay.

Từ đầu năm đến nay, NHNN nhất quán điều hành các mức lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ. Theo đó, hiện lãi suất tái cấp vốn là 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu là 3%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các ngân hàng là 5,5%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá trên thị trường mở là 3%/năm.

Lãi suất tối đa đối với tiền gửi VND không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,2%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi VND có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng là 4,25%/năm, của Quỹ Tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô là 4,75%/năm.

Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa VND của tổ chức tín dụng đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 5%/năm; của Quỹ Tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô là 6%/năm. Mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các tổ chức tín dụng giảm 0,4 - 0,5%/năm so với đầu năm, lãi suất liên ngân hàng duy trì ổn định ở mức thấp.

Phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng

Theo NHNN, tính đến giữa tháng 8, tổng huy động vốn của hệ thống ngân hàng tăng 6,29% so với cuối năm 2019; tín dụng toàn hệ thống tăng 4,13% so với cuối năm 2019, chỉ bằng một nửa mức tăng của cùng kỳ năm ngoái.

Theo nhìn nhận từ nhóm nghiên cứu thuộc Công ty Chứng khoán VCBS, tăng trưởng huy động tại các ngân hàng cao hơn so với tăng trưởng tín dụng, thanh khoản của các ngân hàng đang khá dồi dào do nhu cầu tín dụng giảm xuất phát từ ảnh hưởng bởi dịch bệnh cùng với giả định về sự nhất quán trong chính sách điều hành, hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ không ghi nhận áp lực thanh khoản từ nay tới cuối năm.

Mặt khác, NHNN đã ban hành Thông tư số 08/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2020. Theo đó, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo lộ trình được giãn thêm 1 năm so với quy định cũ.

VCBS cho rằng, động thái giãn lộ trình là phù hợp và cấp thiết với định hướng hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời duy trì mặt bằng lãi suất thấp. Do đó, xu hướng giảm sẽ tiếp tục duy trì trên lãi suất huy động. Cụ thể, lãi suất huy động đã giảm tương đối trong tháng 8 và ngay tuần đầu tháng 9 cũng chứng kiến các kỳ hạn đồng loạt giảm 0,05 đến 0,1 điểm phần trăm, đưa mặt bằng lãi suất huy động giảm từ 0,65 đến 0,85 điểm phần trăm tính từ đầu năm đến nay. Trong bối cảnh thanh khoản dồi dào và nhu cầu tín dụng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, VCBS duy trì dự báo lãi suất huy động có thể giảm 0,8 đến 1 điểm phần trăm tại các kỳ hạn trong cả năm nay.

Cùng quan điểm về điều này, ông Hiếu cho rằng dù ít có khả năng NHNN giảm tiếp lãi suất điều hành, song mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng sẽ còn tiếp tục giảm với mức độ giảm phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng. Theo đó, nếu tăng trưởng tín dụng tiếp tục “lẹt đẹt” như từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động và cho vay có thể còn giảm tiếp từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm từ nay đến cuối năm.

Tin cùng chuyên mục