Mở cửa khai phá thị trường dược 20 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2045, tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP đạt trên 20 tỷ USD. Những nội dung mới của Luật Đấu thầu 2023 quy định chi tiết về ưu đãi trong đấu thầu mua thuốc góp phần tạo hành lang pháp lý cho thuốc Việt gia tăng thị phần.
Thuốc nội địa hiện đã đáp ứng được 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh. Ảnh: Tiên Giang
Thuốc nội địa hiện đã đáp ứng được 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh. Ảnh: Tiên Giang

Đây là bước hoàn thiện cốt lõi để định vị thuốc Việt, do người Việt sản xuất phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người Việt trong cuộc cạnh tranh tại các gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước.

Theo chia sẻ của PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia cao cấp dược học, năm 2023 có nhiều dấu mốc với ngành dược, trong đó có dấu mốc Luật Đấu thầu 2023 chính thức được Quốc hội thông qua tháng 6/2023.

Theo đại diện Bộ Y tế, quy định về ưu đãi trong mua thuốc tại Điều 56 Luật Đấu thầu 2023 chi tiết, rõ ràng hơn so với Điều 50 Luật Đấu thầu 2013. Cụ thể, Điều 56 Luật Đấu thầu 2023 nêu rõ, việc ưu đãi trong mua thuốc thực hiện theo quy định tại Điều 10 Luật Đấu thầu 2023 và quy định sau đây: Đối với thuốc có ít nhất 3 hãng trong nước sản xuất đáp ứng về tiêu chí kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế và về chất lượng, giá thì chủ đầu tư quyết định việc yêu cầu nhà thầu chào thuốc xuất xứ trong nước đối với mặt hàng này. Đối với thuốc được Bộ Y tế công bố có ít nhất 3 hãng trong nước sản xuất trên dây chuyền sản xuất thuốc đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương EU-GMP và đáp ứng tiêu chí kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế và về chất lượng, giá, khả năng cung cấp thì trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định nhà thầu chỉ chào thầu thuốc xuất xứ trong nước.

Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam đánh giá cao những điểm đổi mới của Luật Đấu thầu nhằm tạo bệ đỡ vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực này bên cạnh các chính sách hỗ trợ khác. “Hiện nay, các bệnh viện có tỷ lệ sử dụng thuốc nội địa ngày càng cao. Nhiều bệnh viện tuyến cuối, trung ương như Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa… đạt tỷ lệ trên 50%. Thuốc nội địa cung cấp vào bệnh viện thông qua danh mục trúng thầu của các nhà thầu. Bước sàng lọc về kỹ thuật đã khẳng định chất lượng, hàm lượng thuốc nội hoàn toàn đáp ứng nhu cầu của hồ sơ mời thầu. Với quy định mới của Luật Đấu thầu về ưu đãi thuốc nội địa, chắc chắn đây sẽ là giai đoạn khởi sắc thực sự của các doanh nghiệp dược”, Hiệp hội nhấn mạnh.

Thực tế, việc hỗ trợ, ưu đãi thuốc Việt, dược liệu cổ truyền đã được củng cố sớm từ Luật Đấu thầu 2013 cùng hàng loạt chính sách khác. Theo Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế), trong gần 1 năm trở lại đây, thuốc Việt, dược liệu cổ truyền Việt đã tham gia, trúng thầu với tần suất dày đặc vào các bệnh viện trên khắp cả nước.

Việt Nam có nhiều nguồn dược liệu quý. Khí hậu, thổ nhưỡng giúp nhiều vị thuốc giá trị xuất xứ Việt Nam được quốc tế đánh giá cao. Báo cáo mới nhất của Cục Quản lý y, dược cổ truyền cho thấy, nhờ các chính sách đột phá về đấu thầu, nhiều dược liệu, vị thuốc Việt đã trúng thầu cung cấp cho các bệnh viện.

Tháng 12/2023, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tiểu Cần (TP. Cần Thơ) công bố kết quả lựa chọn nhà thầu của các gói thầu mua sắm dược liệu, vị thuốc cổ truyền. Theo đó, Công ty CP Dược phẩm Thiên Dược là nhà sản xuất, Công ty CP O2PHARM là nhà thầu trúng thầu.

Tại Gói thầu Cung cấp dược liệu, vị thuốc cổ truyền của Trung tâm Y tế TP. Ninh Bình, Công ty CP Dược Trung ương Mediplantex là nhà sản xuất, Công ty CP Dược Medibros miền Bắc là nhà thầu trúng thầu…

Theo Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực.

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đánh giá, thuốc nội địa hiện đã đáp ứng được 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh. Thậm chí, hiện nay có tới 12/13 loại vaccine thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng hoàn toàn được bào chế trong nước. Việt Nam đã có hơn 200 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới.

Theo chia sẻ của ông Hứa Phú Doãn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thiết bị y tế TP.HCM, Luật Đấu thầu 2023 tạo thuận lợi cho hoạt động mua thuốc, thiết bị y tế có tính đặc thù, phù hợp với hoạt động chuyên môn của ngành y tế. Cụ thể, Luật cho phép chỉ định thầu để mua thuốc, thiết bị y tế trong trường hợp cấp cứu người bệnh hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của người dân. Luật áp dụng mua sắm tập trung với các loại thuốc hiếm, có số lượng sử dụng ít.

Bên cạnh đó, nhiều nội dung mới của Luật Đấu thầu 2023 khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ, nguyên liệu để sản xuất thuốc chất lượng tốt, đáp ứng tiêu chuẩn tiên tiến. “Việc ban hành chính sách ưu đãi này sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược tận dụng cơ hội, tăng cường liên kết với các tập đoàn dược nước ngoài để nâng cao trình độ, công nghệ, tăng cơ hội trúng thầu, nâng thị phần cho thuốc nội”, ông Doãn chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục