Mua sắm quân trang tại Quân khu 5: Bên mời thầu có làm khó nhà thầu?

(BĐT) - Báo Đấu thầu vừa tiếp nhận đơn kiến nghị của Công ty TNHH Hậu cần Phúc Thái (địa chỉ tại quận Hà Đông, TP. Hà Nội) về sự bất thường trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) Gói thầu MS01 Mua sắm hàng quân trang thuộc Dự toán Khai thác tạo nguồn mua sắm hàng quân nhu năm 2023 tại Cục Hậu cần/Quân khu 5. Theo phản ánh, Nhà thầu liên tục bị Bên mời thầu yêu cầu bổ sung, làm rõ những nội dung không chính đáng, không phù hợp với quy định pháp luật về đấu thầu.
Gói thầu MS01 Mua sắm hàng quân trang thuộc Dự toán Khai thác tạo nguồn mua sắm hàng quân nhu năm 2023 tại Cục Hậu cần/Quân khu 5 có giá 5,076 tỷ đồng. Ảnh minh họa: NCst
Gói thầu MS01 Mua sắm hàng quân trang thuộc Dự toán Khai thác tạo nguồn mua sắm hàng quân nhu năm 2023 tại Cục Hậu cần/Quân khu 5 có giá 5,076 tỷ đồng. Ảnh minh họa: NCst

Gói thầu có giá dự toán 5,076 tỷ đồng, được đấu thầu thầu qua mạng, phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 9 - 19/5/2023, do Cục Hậu cần/Quân khu 5 làm Chủ đầu tư, Công ty TNHH Thiết kế và Xây dựng Bền Vững Anh Vũ làm Bên mời thầu.

Biên bản mở thầu ngày 19/5 ghi nhận sự tham dự của 3 nhà thầu: Công ty TNHH Hậu cần Phúc Thái (4,402 tỷ đồng); Liên danh Công ty CP 126 BQP Việt Nam - Công ty CP May X19 (4,965 tỷ đồng); Công ty CP Đầu tư phát triển Sông Hương (5,037 tỷ đồng).

Phản ánh đến Báo Đấu thầu, Công ty TNHH Hậu cần Phúc Thái cho biết, Gói thầu vẫn đang trong giai đoạn đánh giá HSDT. Tại gói thầu này, Nhà thầu Phúc Thái tham dự với tư cách vừa là nhà sản xuất (12/70 mặt hàng), vừa là nhà cung cấp (58/70 mặt hàng).

Theo đó, HSMT quy định: “Trường hợp nhà thầu vừa là nhà sản xuất, vừa là nhà cung cấp (một số hàng hóa do nhà thầu chào trong HSDT là do nhà thầu sản xuất, các hàng hóa còn lại do nhà thầu mua từ nhà sản xuất, cung cấp khác để cung cấp cho gói thầu), thì ngoài kê khai về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự, nhà thầu còn phải kê khai về năng lực sản xuất theo quy định. Việc đánh giá kinh nghiệm của nhà thầu sẽ được thực hiện trên cơ sở hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự (tương ứng với phần hàng hóa mà nhà thầu mua từ nhà sản xuất, cung cấp khác) và năng lực sản xuất của nhà thầu (tương ứng với phần hàng hóa mà nhà thầu tự sản xuất)”.

Tại HSDT, Phúc Thái kê khai Hợp đồng tương tự số 46/2023/HĐKT/PT-PN ký ngày 5/4/2023 giữa Công ty TNHH Hậu cần Phúc Thái (bên bán) và Công ty CP 38 Phương Nam (bên mua) về việc cung cấp 46 mặt hàng quân tư trang. Theo nội dung hợp đồng, các mặt hàng này do Phúc Thái nhập khẩu để cung cấp, một phần do Nhà thầu tự sản xuất.

Lần lượt trong ngày 22/5 và ngày 28/5/2023, Bên mời thầu phát đi 2 văn bản yêu cầu Công ty TNHH Hậu cần Phúc Thái làm rõ năng lực phần cung cấp hàng hóa bằng việc đề xuất các hóa đơn giá trị gia tăng (bản chứng thực sao y) mà Nhà thầu đã xuất cho Công ty CP 38 Phương Nam theo Hợp đồng số 46/2023/HĐKT/PT-PN, tương ứng với các giấy báo có: số giao dịch 999S2350GS8TJHSU; số giao dịch 999S2350GN6SZPX; số giao dịch FT23131983524571. Phương thức làm rõ được Bên mời thầu quy định như sau: “Gửi về Công ty TNHH Thiết kế và Xây dựng Bền Vững Anh Vũ. Địa chỉ: Số 7 Lê Đình Thám, TP. Đà Nẵng”.

Cho rằng việc yêu cầu cung cấp tài liệu dự thầu trực tiếp tại trụ sở đơn vị là sai lệch tính chất của đấu thầu qua mạng, song Công ty TNHH Hậu cần Phúc Thái vẫn gửi các hóa đơn chứng thực này về địa chỉ của Bên mời thầu.

Tuy nhiên, thay vì đánh giá đáp ứng, Bên mời thầu lại tiếp tục yêu cầu Nhà thầu giải trình năng lực phần sản xuất hàng hóa thông qua các văn bản làm rõ lần 3 và lần 4. Theo đó, các tài liệu, nội dung cần cung cấp bao gồm: báo cáo tài chính 3 năm (2020, 2121, 2022), kèm thuyết minh báo cáo tài chính; tờ khai thuế quý I, II, III, IV và tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, quyết toán thuế VAT; thông báo chấp nhận hồ sơ kê khai thuế điện tử của cơ quan thuế; các tài liệu chứng minh Nhà thầu có tài sản cố định và nhà xưởng trị giá 10 tỷ đồng (nếu là nhà xưởng đi thuê, thì cung cấp hóa đơn thuê, yêu cầu cho xem tờ khai thuế kê khai hóa đơn đó, và báo cáo lưu chuyển tiền tệ chứng minh dòng tiền trả nợ cho đơn vị cho thuê); tài liệu chứng minh nhà máy đạt tiêu chuẩn ISO 9001-2015 tại địa chỉ phường Hùng Vương, TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc; cung cấp bảng lương, bảo hiểm, tờ khai thuế thu nhập cá nhân và danh sách 50 công nhân, kèm số liệu về tiền lương; hóa đơn, hợp đồng, sổ phụ, nguồn gốc xuất xứ của nguyên vật liệu đầu vào mà Công ty TNHH Hậu cần Phúc Thái đã mua để phục vụ sản xuất Hợp đồng số 46/2023/HĐKT/PT-PN... Đáng chú ý, Bên mời thầu còn yêu cầu Nhà thầu cung cấp điển hình chiếu cói để chứng minh năng lực sản xuất trong khi danh mục hàng hóa tại HSMT không có sản phẩm này.

Trước hàng loạt yêu cầu làm rõ nêu trên, Công ty TNHH Hậu cần Phúc Thái cho rằng, Bên mời thầu cần tuân thủ quy định pháp luật đấu thầu, tuân thủ HSMT, tiến hành đánh giá HSDT có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, tránh lan man, cản trở việc tham gia của Nhà thầu.

Trao đổi với phóng viên, ông Võ Thành Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế và Xây dựng Bền Vững Anh Vũ lý giải, việc Bên mời thầu liên tục yêu cầu làm rõ trong quá trình đánh giá HSDT nhằm xác định một cách toàn diện nhất về năng lực của các nhà thầu. “Liên quan đến phản ánh của Nhà thầu, Bên mời thầu đang rà soát, tham mưu, xin ý kiến Chủ đầu tư về phương án xử lý, phúc đáp theo đúng quy định”, vị đại diện thông tin.

Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu tại gói thầu nêu trên.

Tin cùng chuyên mục