![]() |
Việc mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế tại một số địa phương thuận lợi, nhanh chóng hơn nhiều so với trước. Ảnh: Tiên Giang |
Tại nhiều địa phương, HĐND cấp tỉnh đã có nghị quyết riêng quy định thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của mình.
Tại Hà Nội, sau khi HĐND Thành phố thông qua Nghị quyết số 09/2024/NQ-HĐND ngày 15/5/2024 phân cấp toàn diện thẩm quyền quyết định mua sắm hàng hóa, dịch vụ thuộc dự toán mua sắm cho thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng các nguồn vốn (ngoại trừ mua sắm tập trung), nhiều cơ sở y tế trên địa bàn ghi nhận hiệu quả cao trong việc triển khai hoạt động mua sắm. Lãnh đạo Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn… đều cho biết, việc mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế thuận lợi, nhanh chóng, kịp thời hơn nhiều so với trước.
Tại Hải Dương, ngày 30/5/2024, HĐND Tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐND quy định thẩm quyền quyết định việc mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của Tỉnh theo quy định tại Điều 91 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP; Nghị quyết số 28/2024/NQ-HĐND ngày 11/12/2024 quy định thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện mua sắm tài sản, trang thiết bị; phân cấp thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và kinh phí cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng từ nguồn chi thường xuyên ngân sách nhà nước trên địa bàn.
Trong đó, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư thuộc phạm vi quản lý của Tỉnh được quyết định việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và từ nguồn vốn vay, vốn huy động theo chế độ quy định để phục vụ cho các hoạt động sự nghiệp và hoạt động kinh doanh của đơn vị.
Thủ trưởng các sở, cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và tương đương ở cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã quyết định việc mua sắm đối với gói thầu, nội dung mua sắm có giá trị từ trên 3 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng; gói thầu, nội dung mua sắm có giá trị không quá 3 tỷ đồng nhưng trong danh mục mua sắm có hàng hóa, dịch vụ có giá trị từ trên 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/đơn vị hàng hóa, dịch vụ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý…
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Hải Dương, nhờ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, công tác đấu thầu thuốc, trang thiết bị, hóa chất, vật tư xét nghiệm, mua sắm thường xuyên trong năm 2024 có nhiều chuyển biến tích cực. Các đơn vị đã chủ động hơn trong việc tự quyết định mua sắm nên không xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm.
“Sở Y tế được UBND Tỉnh giao là đơn vị đấu thầu tập trung mua thuốc nhiều năm nên đã có kinh nghiệm trong công tác lựa chọn nhà thầu (LCNT). Việc tổ chức đấu thầu thuốc có sự tham gia phối hợp, giám sát của Bảo hiểm Xã hội Tỉnh nên danh mục thầu được kiểm soát, đảm bảo công khai, minh bạch. Số lượng nhà thầu tham gia đấu thầu tại Hải Dương ngày càng nhiều; mặt hàng trúng thầu và số đơn vị trúng thầu ngày càng tăng, bảo đảm tính cạnh tranh, bình đẳng trong đấu thầu. Tỷ lệ tiết kiệm sau đấu thầu năm 2024 đạt xấp xỉ 4,7%”, Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương nhận xét.
Tại TP. Đà Nẵng, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu trên địa bàn cho biết, do thực hiện phân cấp theo đúng thẩm quyền nên thời gian LCNT đã được rút ngắn, tạo sự chủ động cho các đơn vị, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Tương tự, Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Lắk đánh giá hiệu quả từ việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền như: rút ngắn thời gian thẩm định kế hoạch LCNT; công tác giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu; quản lý, điều hành và chấn chỉnh hoạt động đấu thầu bảo đảm đạt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, tăng cường hiệu quả.
Có bước tiến rõ rệt trong công tác đấu thầu năm 2024 nhờ đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền cũng là đánh giá chung của các cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu tại Quảng Trị, Tây Ninh… Theo đó, việc phân cấp trong đấu thầu, quy định rõ, tách bạch trách nhiệm của các chủ thể có liên quan tạo sự chủ động, rút ngắn thủ tục, thời gian, chi phí thực hiện, đồng thời hạn chế tối đa tiêu cực, phát huy hiệu quả đấu thầu.
Tuy vậy, vẫn có địa phương triển khai thực hiện các quy định về thẩm quyền mua sắm còn chậm và lúng túng (Gia Lai…); một số địa phương chưa phân cấp, phân quyền mạnh mẽ về thẩm quyền mua sắm.
Để đẩy nhanh quá trình mua sắm trong lĩnh vực y tế, ông Hoàng Cương - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Y tế khuyến nghị, các địa phương cần mở rộng phân cấp thẩm quyền mua sắm hơn nữa, từ đó tăng tính chủ động cho các đơn vị sử dụng, rút ngắn thời gian phê duyệt, thẩm định, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế.