Muốn chuyển đổi số, phải có lòng tin

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thay vì phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước, chờ đợi, xếp hàng hàng giờ, chỉ bằng thao tác trên điện thoại thông minh, máy tính, chúng ta có thể thực hiện được rất nhiều dịch vụ công như nộp tiền bảo hiểm, đóng tiền phạt vi phạm giao thông, làm thủ tục đăng ký xe... Số hóa các dịch vụ công là bước quan trọng để xây dựng chính phủ số, chuyển đổi số thành công.
Người dân có thể ngồi nhà để thực hiện đăng ký cấp, đổi giấy phép lái xe, đóng bảo hiểm, nộp phạt vi phạm giao thông qua mạng. Ảnh: Lê Tiên
Người dân có thể ngồi nhà để thực hiện đăng ký cấp, đổi giấy phép lái xe, đóng bảo hiểm, nộp phạt vi phạm giao thông qua mạng. Ảnh: Lê Tiên

Thời của “ngón tay”

Được khai trương từ ngày 9/12/2019, đến ngày 9/10/2020, có 1.586 số thủ tục hành chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng cung cấp chức năng thanh toán trực truyến để người dân, doanh nghiệp nộp các nghĩa vụ tài chính liên quan.

Nhiều dịch vụ công được doanh nghiệp, người dân quan tâm như thông báo hoạt động khuyến mại; cấp điện; nộp thuế, phí, lệ phí, kê khai, nộp thuế điện tử, đề nghị gia hạn thuế; đăng ký, cấp biển số xe (thực hiện tại cấp tỉnh); đổi giấy phép lái xe; cấp lại, đổi, điều chỉnh thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế… Người dân cũng đã có thể thao tác trên máy tính để nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của cảnh sát giao thông (phạm vi toàn quốc); nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của thanh tra giao thông…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, mục tiêu của Cổng Dịch vụ công quốc gia là không để lại ai phía sau, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, từ đó sẽ đưa các dịch vụ công từ các bộ, ngành tích hợp lên Cổng, mang lại dịch vụ công thân thiện theo hướng không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính. Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng là kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, để người dân, doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng Dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên tại một hội thảo gần đây về Chính phủ điện tử, đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết, dù có cả nghìn dịch vụ công trực tuyến nhưng lượng sử dụng vẫn chưa cao. Việt Nam có tỷ lệ người dùng Internet cao nhưng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến thấp, đa số người dân cho biết vẫn thực hiện các thủ tục hành chính tại chỗ.

Theo Cục Tin học hóa thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, tình trạng chậm cải cách thủ tục hành chính, triển khai chính quyền số vẫn xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương, bộ, ngành. Tỷ trọng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trên toàn quốc đến nay chưa đến 20%, nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 dưới 10% và nếu không có cách làm mới sẽ không thể đạt mục tiêu 30% trong năm 2020.

Theo Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử của 193 quốc gia, vùng lãnh thổ được Liên hợp quốc công bố tháng 7/2020, trong 3 năm qua, từ tháng 8/2017 - 7/2019, Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 24/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á. Trong các chỉ số thành phần, Việt Nam có cải thiện vượt bậc ở Chỉ số Hạ tầng viễn thông (tăng 31 bậc), cải thiện ở Chỉ số Nhân lực (tăng 3 bậc) và tụt hạng đáng kể ở Chỉ số Dịch vụ trực tuyến (giảm 22 bậc).

Tại Hội nghị trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mục tiêu đặt ra đến hết năm 2020 là Việt Nam tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng thế giới. Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ít nhất đạt mục tiêu 30% trong năm 2020, hướng đến năm 2021, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4…

Xây dựng lòng tin

Ông Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho rằng, để phát triển Chính phủ điện tử từ cấp bộ, ngành đến các cục, vụ, từ Trung ương đến địa phương, quan trọng nhất là phải bắt đầu từ việc đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục, không chạy theo số lượng mà quan tâm đến chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến. “Làm sao cho người dân cảm thấy thuận lợi, dễ dàng nhất, phải truyền thông để người dân biết, xây dựng được cho người dân niềm tin về việc Nhà nước đang nỗ lực thế nào trong phát triển Chính phủ điện tử. Đây sẽ là những nhân tố tăng tốc phát triển Chính phủ điện tử với mục tiêu coi người dân, doanh nghiệp là trung tâm mà Việt Nam đang hướng tới”, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.

Ý kiến của một số doanh nghiệp cũng cho rằng cần sớm hoàn thiện các hành lang pháp lý quan trọng (trong năm 2021, muộn nhất vào năm 2022) hỗ trợ cho việc triển khai các nền tảng chính phủ số cấp quốc gia và các bộ, địa phương được hiệu quả; sớm hoàn thành các cơ sở dữ liệu quan trọng của quốc gia. Hiện môi trường pháp lý cho Chính phủ điện tử chưa hoàn thiện, một số nghị định quan trọng vẫn chưa được ban hành (bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh, xác thực điện tử).

Tin cùng chuyên mục