Muôn kiểu lãng phí vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các dự án đầu tư công là nguồn lực quan trọng để làm đòn bẩy, dẫn dắt các nguồn lực khác trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do khâu tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều khiếm khuyết, không ít dự án đầu tư công không thể phát huy hết vai trò, mục tiêu đặt ra ban đầu, dẫn đến nguồn lực quan trọng này bị lãng phí, gây bức xúc cho người dân.
Dự án Bệnh viện đa khoa 1.500 giường tại Bình Dương sau 10 năm triển khai đầu tư vẫn chưa thể đưa vào sử dụng. Ảnh: Phú An
Dự án Bệnh viện đa khoa 1.500 giường tại Bình Dương sau 10 năm triển khai đầu tư vẫn chưa thể đưa vào sử dụng. Ảnh: Phú An

Điểm danh những khiếm khuyết gây lãng phí

Vừa được nghiệm thu hoàn thành, đưa vào sử dụng đầu tháng 5/2024, nhưng Dự án Xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân (TP. Thủ Đức, TP.HCM) với tổng mức đầu tư khoảng 248 tỷ đồng đã lộ diện những khiếm khuyết có tính chất căn bản. Mục tiêu của Dự án là xóa tình trạng ngập nước mỗi khi trời mưa kết hợp triều cường, nhưng từ trận mưa đầu mùa 2024 tới nay, tuyến đường Võ Văn Ngân và khu vực lân cận vẫn ngập nặng.

UBND TP. Thủ Đức lý giải, cường độ mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn; hệ thống cống cũ, xuống cấp, hiệu quả thoát nước kém; lượng rác thải trôi che lấp miệng thu, hạn chế khả năng thu nước vào hệ thống cống nên nước chảy tràn trên mặt đường; cao trình mặt đường trũng thấp cục bộ so với địa hình các tuyến đường lân cận, lượng nước chảy tràn mặt đường tập trung về gây đọng nước.

Hoài nghi về hiệu quả của Dự án, cơ quan hữu trách đang đánh giá lại khâu thiết kế, quá trình khảo sát, thiết kế hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân, nhất là năng lực đơn vị tư vấn khi không quan trắc, đánh giá toàn diện, căn cơ diễn biến thời tiết thực tế, có tính đến yếu tố dự báo biến đổi khí hậu phức tạp để đề xuất, trình duyệt thiết kế có tính bao quát, giải quyết tổng thể vấn đề ngập nước.

Một khiếm khuyết nữa là quá trình thi công Dự án ì ạch, kéo dài dẫn đến tháng 10/2023, Chủ đầu tư phải chấm dứt hợp đồng thi công công trình với nhà thầu và lựa chọn lại nhà thầu thi công.

Tại Bình Dương, Dự án Bệnh viện đa khoa 1.500 giường (diện tích 14,15 ha, tổng mức đầu tư 4.600 tỷ đồng) được triển khai từ năm 2014, đến nay sau 10 năm vẫn dang dở, bị bỏ hoang cho cỏ mọc, không đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Dự án này gồm 7 dự án thành phần (DATP), trong đó 2 DATP đã hoàn thành là Hạ tầng kỹ thuật tổng thể và Trạm xử lý nước thải. 5 DATP đang trong quá trình thực hiện gồm: Bệnh viện đa khoa 1.500 giường; Khối kỹ thuật trung tâm và nhà quàn; Thiết bị Bệnh viện đa khoa 1.500 giường; Bãi đậu xe, công viên, cây xanh, hàng rào trạm xử lý nước thải và Ban Bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cán bộ tỉnh; Khối giáo dục đào tạo - khối ký túc xá học viên, thân nhân người bệnh.

Kết quả giám sát của HĐND tỉnh Bình Dương cho thấy, tại DATP Bệnh viện đa khoa 1.500 giường (vốn đầu tư 2.318 tỷ đồng), Gói thầu Thi công, cung cấp và lắp đặt các hệ thống kỹ thuật đã đạt khoảng 92,35% giá trị hợp đồng; Gói thầu Thi công và lắp đặt thiết bị hệ thống khí y tế và vận chuyển mẫu bệnh phẩm đạt 89% giá trị hợp đồng, nhưng khó hoàn thành vì quá trình triển khai phát sinh khối lượng. Trong khi đó, DATP Thiết bị Bệnh viện đa khoa 1.500 giường (vốn đầu tư 779 tỷ đồng) gặp nhiều trắc trở do thay đổi mục tiêu về quy mô, số lượng thiết bị, tính năng kỹ thuật, công nghệ thông tin… nên phải quay lại “điểm xuất phát”, lập lại chủ trương đầu tư, trình lại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với vốn đầu tư được điều chỉnh tăng lên hơn 1.057 tỷ đồng…

Vấn đề đầu tiên nằm ở khâu lập dự án, lập báo cáo nghiên cứu khả thi khi chưa có tầm nhìn bao quát, có tính dự báo nên quá trình thực hiện phải điều chỉnh theo đòi hỏi thực tiễn. Khâu lựa chọn nhà thầu, quản lý hợp đồng xây lắp để “lọt” nhiều nhà thầu yếu kém.

Với DATP Khối kỹ thuật trung tâm và nhà quàn, hầu hết các thiết bị chính chưa nhập về công trình làm đình trệ thi công ở các hạng mục khác của cả công trình. Đáng ngại hơn, một số thiết bị lắp đặt tại công trình không đạt yêu cầu chất lượng theo hồ sơ thiết kế, hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu (bơm phòng cháy chữa cháy và cấp nước, chiller, tháp giải nhiệt, FCU…) nên không thể nghiệm thu. Mặc dù Chủ đầu tư đã yêu cầu thay thế nhưng đơn vị thi công (Liên danh Công ty CP N.T - Công ty CP Thương mại Kỹ thuật Việt Nam) vẫn không có kế hoạch thực hiện và tỉnh Bình Dương phải chấm dứt hợp đồng với Công ty CP N.T.

Những khiếm khuyết trong quá trình triển khai thực hiện khiến Dự án đi chệch quỹ đạo so với những hoạch định ban đầu. Tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu đưa Dự án Bệnh viện đa khoa 1.500 giường vào khai thác cuối năm 2025 nhưng với những vướng mắc ngổn ngang, mục tiêu này khó khả thi.

Tại phía Nam có thể điểm danh thêm một số dự án chung cảnh ngộ này ở nhiều nhóm công trình giao thông, xây dựng dân dụng, mua sắm thiết bị. Đơn cử, Dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm TP.HCM (vốn đầu tư 800 tỷ đồng) khởi công năm 2013, dự kiến hoàn thành năm 2015, nhưng sau 11 năm vẫn chưa xong phần thô, Chủ đầu tư phải chấm dứt hợp đồng thực hiện Gói thầu XL6 (107 tỷ đồng) với Công ty CP Thương mại Tam Đại Kim vì thi công trì trệ, tìm nhà thầu mới thi công khối lượng còn lại, mục tiêu là hoàn thành Dự án cuối năm 2025. Dự án Nhà hát tỉnh An Giang (vốn đầu tư hơn 215 tỷ đồng) được xác định có vi phạm trong quá trình lập dự án, mời thầu, triển khai thực hiện…, lại thêm thi công đình trệ, chậm tiến độ vì đơn vị thi công không đảm bảo năng lực. Sau 3 năm thi công, do thua lỗ, Liên danh Công ty TNHH Xây dựng phát triển Miền Nam - Công ty TNHH Phương Ngọc đã "bỏ chạy" khiến Chủ đầu tư phải quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng và khởi kiện để thu hồi bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Dự án chỉ có thể khởi động lại khi hoàn tất lựa chọn nhà thầu thay thế.

Tại một số dự án trọng điểm như: Metro Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM), cao tốc Bến Lức - Long Thành..., việc thay đổi, bổ sung thiết kế, thiết bị, dự toán, thay đổi nhà thầu… khiến các dự án này chịu chung cảnh ngộ: đình trệ, kéo dài thời gian thực hiện, đội vốn…

Cần cải thiện mạnh mẽ quy trình đầu tư công

Các dự án đầu tư công nêu trên ngoài việc không thể kịp thời phát huy hiệu quả đầu tư, còn gây lãng phí nguồn lực cả về giá trị vốn đầu tư cũng như các giá trị vô hình khó cân, đong, đo, đếm được cho xã hội. Vấn đề đầu tiên nằm ở khâu lập dự án, lập báo cáo nghiên cứu khả thi khi chưa có tầm nhìn bao quát, có tính dự báo nên quá trình thực hiện phải điều chỉnh theo đòi hỏi thực tiễn. Khâu lựa chọn nhà thầu, quản lý hợp đồng xây lắp để “lọt” nhiều nhà thầu yếu kém. Trong khi đó, tại mỗi khâu triển khai thực hiện dự án đều có thẩm tra, phê duyệt.

Về Dự án Bệnh viện đa khoa 1.500 giường tỉnh Bình Dương, một đại biểu HĐND Tỉnh cho biết, trong nhiều lần tiếp xúc cử tri đã ghi nhận ý kiến của người dân bày tỏ sự bức xúc vì tiến độ dự án y tế trọng điểm chậm trễ, bất động. Hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư dang dở trong cả thập kỷ chưa thể mang lại hiệu quả, đẩy áp lực cho hệ thống cơ sở y tế hiện hữu. Đây là sự lãng phí rất lớn nguồn lực đầu tư công.

Một chuyên gia cho rằng, lãng phí trong đầu tư công biểu hiện ở nhiều hình thức khác nhau với nhiều hệ lụy. Ở giai đoạn trước, việc đầu tư dàn trải, nhiều dự án được phê duyệt mà chưa có sự đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi và hiệu quả kinh tế dẫn đến tình trạng có dự án hoàn thành đầu tư nhưng không phát huy được hiệu quả. Lãng phí có thể đến ngay từ bước chuẩn bị đầu tư (lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, đấu thầu…) đến quá trình thực hiện. Việc giám sát và quản lý các dự án đầu tư công còn nhiều bất cập dẫn đến hiện tượng tiêu cực, thất thoát vốn đầu tư. Nhiều dự án kéo dài thời gian thực hiện, phải điều chỉnh nhiều trong quá trình thực hiện làm tăng chi phí đầu tư khiến hiệu quả không như mong đợi và gây lãng phí lớn. Ngoài ra, sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch và nghiên cứu dự án dẫn tới chồng chéo, thiếu liên kết giữa các dự án cũng gây lãng phí tài nguyên và nguồn lực.

Để khắc phục tình trạng này, theo vị chuyên gia, cần sự cải thiện mạnh mẽ trong quy trình đầu tư công ngay từ khâu lập dự án, tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm và giám sát trong thực hiện dự án. Thúc đẩy sự tham gia giám sát của cộng đồng cũng là một yếu tố quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả dự án đầu tư công.

Tin cùng chuyên mục