Muốn phát triển, phải nhanh hơn trong cuộc đua xanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chuyển đổi xanh, phát triển bền vững không còn chỉ là nhận thức, mà đang là cuộc đua diễn ra trên toàn cầu. Nền kinh tế Việt Nam nói chung, doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói riêng, muốn tận dụng được cơ hội để phục hồi, tăng tốc phát triển cần phải đi nhanh hơn trên cuộc đua này.
Doanh nghiệp xuất khẩu phải xanh hóa sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường lớn. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp xuất khẩu phải xanh hóa sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường lớn. Ảnh: Lê Tiên

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang khẩn trương xây dựng bộ tiêu chí khoa học về phân loại xanh quốc gia, là cơ sơ để các bộ, ngành, địa phương lựa chọn dự án đầu tư và phân bổ nguồn lực, và là cơ sở cho nhà đầu tư đối chiếu để tiếp cận ưu đãi...

Cơ hội cho những quốc gia chuyển đổi nhanh

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2023 diễn ra ngày 23/8/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, quá trình chuyển đổi xanh đang là cuộc đua toàn cầu. Năm 2023 thế giới đang đứng tước những thách thức có tính lịch sử, tái cấu trúc mô hình phát triển, lựa chọn mô hình phát triển phù hợp trong tương lai, tiếp tục phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên, hay dựa vào tri thức, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Điều này tạo cơ hội cho các nước chuyển đổi nhanh, rào cản cho những nước chậm hành động.

Với Việt Nam, việc chuyển đổi mô hình phát triển từ khai thác thâm dụng tài nguyên sang phát triển dựa vào tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trước đây là chủ trương, quan điểm, đến nay cần là mô hình trên thực tế mà Chính phủ, DN, người dân phải xác định rõ, có phương thức hành động cụ thể.

Theo Phó Thủ tướng, một quốc gia đang phát triển thực hiện cam kết net zero sẽ rất nhiều thách thức, nhưng đó là cơ hội cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Nhà đầu tư hướng đến Việt Nam sẽ không phải vì lao động giá rẻ, ưu đãi thuế, hỗ trợ đất đai mà đến từ những chính sách chuyển đổi xanh, sự hấp dẫn của nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh.

Bà Zayra Romo, Điều phối viên Chương trình hạ tầng Ngân hàng Thế giới (WB) Việt Nam cho rằng, để đạt được mức thu nhập cao như mục tiêu đề ra, Việt Nam cần phải vượt qua tốc độ tăng trưởng lịch sử đạt được trong giai đoạn 1990 - 2020 và sẽ cần nhiều năng lượng hơn nữa. Định hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, giữ chân và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư và tổ chức tài chính quốc tế đang ngày càng coi trọng tính bền vững và trách nhiệm với môi trường, đồng thời thị trường ưu tiên các loại hàng hóa có hàm lượng carbon thấp.

Chính phủ cam kết mạnh mẽ hỗ trợ doanh nghiệp

Với DN, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị trên cuộc đua hướng tới tương lai xanh, lãnh đạo DN cần nhìn nhận đây không chỉ là thách thức, gánh nặng, mà còn là cơ hội. Chuyển đổi xanh mang lại tăng trưởng dài hạn, nếu chậm chuyển đổi, hàng hóa sản xuất ra khó thâm nhập thị trường các nước phát triển. Dù nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ sẽ đồng hành cùng DN thực hiện mục tiêu này, cam kết mạnh mẽ kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để DN thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Phó Thủ tướng khẳng định, có nhiều việc cần thực hiện trong thời gian tới, đó là bổ sung thêm công cụ hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; hình thành cơ chế tài chính hỗ trợ thiết thực hơn cho DN. Về thể chế, cần ban hành các cơ chế chính sách thúc đẩy hơn nữa kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, có thể cần một luật về kinh tế tuần hoàn...; quy hoạch phải gắn với hệ sinh thái năng lượng sạch, công nghiệp xanh và sạch...

Với vai trò Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về tăng trưởng xanh, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh và đạt được những kết quả nhất định. Đặc biệt, các địa phương đã tập trung mạnh mẽ trong việc thay đổi tư duy chiến lược thu hút đầu tư của mình, nhiều địa phương nói không với dự án công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, kể cả dự án quy mô lớn. Đồng thời, tăng cường cơ hội thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, trong công tác quy hoạch quán triệt đưa mục tiêu tăng trưởng xanh vào các quy hoạch.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đưa ra một số giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng xanh, đó là xây dựng chính sách huy động tài chính công - tư cho tăng trưởng xanh; huy động nguồn lực tài chính xanh quốc tế; hoàn thiện thể chế chính sách, đặc biệt công cụ về thuế để có thể ứng phó đối với các dự án có phát thải carbon gây ô nhễm, dùng các công cụ chính sách hướng tới thu hút các dự án xanh. Đồng thời, cần có cơ chế hỗ trợ cho các DN nhà nước, DN lớn dẫn dắt thị trường sản xuất và tiêu dùng xanh, hỗ trợ DN nhỏ và vừa... Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ KH&ĐT đang khẩn trương hoàn thiện, xây dựng bộ tiêu chí khoa học về phân loại xanh quốc gia, bảo đảm hài hòa với thông lệ quốc tế; là cơ sơ để các bộ, ngành, địa phương lựa chọn dự án đầu tư và phân bổ nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính xanh. Đây cũng là cơ sở cho nhà đầu tư đối chiếu để tiếp cận ưu đãi...

Định hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, giữ chân và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: An Hảo

Định hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, giữ chân và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: An Hảo

Doanh nghiệp chuyển đổi xanh vì lợi ích của chính mình

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam cho rằng, cần thay đổi tư duy về thành công của DN. Ông Vinh cho rằng, kinh doanh vì lợi nhuận đã không còn là lựa chọn tối ưu. “Kinh doanh vị tự nhiên đã, đang và sẽ là xu thế chủ đạo”, ông Vinh nhấn mạnh. Khi làm tốt trách nhiệm xã hội, đối xử tốt với người lao động, với thiên nhiên, niềm tin từ đối tác sẽ đến và đó là nền tảng của thành công.

Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng giám đốc thường trực Delloite Việt Nam cho rằng, với DN, nếu không chuyển đổi xanh sẽ ngay lập tức mất thị trường hoặc phải gia nhập thị trường với giá rất cao. Về chính sách, bà Ngọc khuyến nghị có chính sách ưu đãi áp dụng cho một số đơn vị, ngành nghề tiên phong, từ đó dẫn dắt các DN khác.

Tại VCSF 2023, lãnh đạo nhiều DN đã và đang áp dụng mạnh mẽ chuyển đổi xanh, thực hành ESG (môi trường, xã hội, quản trị) vào quá trình vận hành DN, đã có những chia sẻ, khuyến nghị chính sách.

Bà Lê Thị Hồng Nhi, Giám đốc Truyền thông và đối ngoại, Unilever Việt Nam chia sẻ, DN phát triển bền vững sẽ tạo ra sự tin yêu của người tiêu dùng vào sản phẩm, tiết kiệm năng lượng cho DN, thu hút nhân tài. Đại diện Unilever khuyến nghị Chính phủ có cơ chế khuyến khích cho DN sử dụng bao bì tái chế; có cơ chế để DN mua bán năng lượng xanh trực tiếp.

Ông Bùi Khánh Nguyên, Phó Tổng giám đốc Truyền thông, đối ngoại và phát triển bền vững của Coca-Cola Việt Nam khẳng đinh, đầu tư vào phát triển bền vững chính là đầu tư cho lợi ích của DN, dù ngắn hạn có thể khó khăn. Ông Nguyên nhấn mạnh đến việc cần công cụ chính sách định hướng DN áp dụng những thông lệ tốt trong thực hành ESG, chuyển đổi xanh.

Ông Phạm Hùng Anh Tuấn, Giám đốc khối sản xuất, Công ty British American Tobacco Việt Nam (BAT) khuyến nghị Chính phủ có chính sách, ưu đãi cho DN cụ thể, không cào bằng, DN đầu tư nhiều vào chuyển đổi xanh, thực hành ESG cần được ưu đãi tốt hơn.

Từ phía ngân hàng, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, xu thế phát triển xanh, bền vững là tất yếu. Dự án không đáp ứng các yêu cầu môi trường sẽ khó vay vốn ngân hàng hơn. Chính phủ, các bộ ngành cũng cần có hướng dẫn để DN có chuẩn bị, đặc biệt DN nhỏ và vừa hiểu phải triển khai thế nào, bắt đầu từ đâu; có ưu đãi, chế tài để DN có động lực chuyển hướng theo xu thế thời đại.