Nặng nợ vay, HAGL vẫn chưa qua cơn bĩ cực

(BĐT) - Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán HAG) vừa công bố Nghị quyết ĐHĐCĐ về việc thông qua lấy ý kiến chuyển đổi khoản trái phiếu trị giá 1.100 tỷ đồng thành cổ phiếu. Tuy nhiên, giao dịch này cũng chỉ giúp HAGL giảm áp lực nợ phần nào trong khi đó cổ phiếu pha loãng tương đối lớn.
Quý I/2017, HAGL thoát lỗ nhờ khoản doanh thu 47 tỷ đồng từ thanh lý tài sản. Ảnh: Quang Tuấn
Quý I/2017, HAGL thoát lỗ nhờ khoản doanh thu 47 tỷ đồng từ thanh lý tài sản. Ảnh: Quang Tuấn

Sụt giảm mạnh doanh thu

Theo báo cáo tài chính quý I/2017 vừa được HAGL công bố, doanh thu thuần chỉ đạt 824 tỷ đồng, giảm tới hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2016 (2.000 tỷ đồng). Doanh thu lao dốc của HAGL có thể được lý giải khi quý I/2017, Công ty chỉ ghi nhận 196 tỷ đồng doanh thu bán bò, trong khi cùng kỳ năm 2016, con số này lên tới hơn 1.200 tỷ đồng. Ngoài ra, quý I/2017 HAGL không có doanh thu từ các sản phẩm ngành đường, bán bắp, bất động sản đầu tư và hợp đồng xây lắp.

Lãi gộp gần 219 tỷ đồng, nhưng chi phí lãi vay lại lên tới 251 tỷ đồng. Đồng thời, doanh thu giảm nhưng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp (DN) lại tăng lần lượt 12% và 34% khiến lợi nhuận thuần âm gần 32 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái con số này là dương 105 tỷ đồng. Điều đó cũng cho thấy hiệu quả trong quản lý chi phí của HAGL đang xấu đi.

Tuy nhiên, quý I/2017, HAGL ghi nhận khoản doanh thu 47 tỷ đồng từ việc thanh lý tài sản, giúp lợi nhuận trước thuế đạt 8 tỷ đồng, sau 3 quý thua lỗ liên tiếp.

Mặc dù quý I/2017, HAGL có lãi, nhưng lãi không đến từ hoạt động kinh doanh. Điều đó cho thấy HAGL vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong khi vẫn phải gánh chịu nợ vay chồng chất. 

Pha loãng cổ phiếu

Tính đến cuối quý I/2017, tổng dư nợ của HAGL là 34.426 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Trong đó nợ ngắn hạn và dài hạn lần lượt là 11.831 tỷ đồng và 22.594 tỷ đồng, giảm 7% và 3% so với đầu năm 2017. Chiếm tỷ trọng lớn trong nợ phải trả vẫn là vay nợ, vay ngắn hạn chiếm 41% trong tổng nợ ngắn hạn và vay dài hạn chiếm 92% trong tổng nợ dài hạn.

Trong cơ cấu vay ngắn hạn của HAGL, vay ngân hàng là 937 tỷ đồng (giảm 15%), trái phiếu chuyển đổi là 1.100 tỷ đồng và trái phiếu dài hạn đến hạn trả là 1.948 tỷ đồng. Còn vay dài hạn gồm 11.520 tỷ đồng trái phiếu thường trong nước và 9.771 tỷ đồng vay ngân hàng.

Doanh nghiệp này vừa công bố Nghị quyết ĐHĐCĐ thông qua việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản điều chỉnh giá chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi HAG-CB2011 do HAGL phát hành cho Northbrooks Investments Pte Ltd vào ngày 31/8/2010 với giá 8.000 đồng/CP. Theo phương án này, HAGL sẽ phát hành hơn 137 triệu cổ phiếu HAG nhằm chuyển đổi 1.100 tỷ đồng trái phiếu. Vốn điều lệ của Công ty sẽ tăng từ 7.899 tỷ đồng lên 9.274 tỷ đồng sau khi chuyển đổi.

Được biết, lãi suất mà HAGL phải trả cho Northbrooks Investments Pte Ltd là 3%/năm. Nếu việc chuyển đổi này thành công, dư nợ vay ngắn hạn của HAGL sẽ giảm tới hơn 1.100 tỷ đồng, giúp giảm đáng kể áp lực nợ vay ngắn hạn cho Công ty. Tuy nhiên, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông hiện tại của Công ty khi lợi nhuận trên một cổ phần sẽ bị pha loãng.

Kể từ đầu năm 2017 đến nay, giá cổ phiếu HAG là tâm điểm của thị trường khi tăng khá mạnh, hiện giao dịch ở mức gần 9.000 đồng/CP. Vào tháng 3, cổ phiếu HAG đã lên bằng mệnh giá (10.000 đồng/CP). Vào thời điểm đầu tháng 1, cổ phiếu này chỉ ở mức 5.300 đồng/CP. Thanh khoản cũng tăng mạnh với khối lượng giao dịch bình quân 10 phiên gần nhất đạt trên 4 triệu cổ phiếu.

Mặc dù có lãi trong quý I nhưng triển vọng kinh doanh của HAGL vẫn chưa thực sự sáng sủa khi doanh thu sụt giảm mạnh và khoản nợ khổng lồ hiện hữu bào mòn kết quả kinh doanh của Công ty.

Tin cùng chuyên mục