Nâng tầm đội ngũ doanh nhân trong kỷ nguyên mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chia sẻ với Báo Đấu thầu nhân dấu ấn 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (DN) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam như một “luồng gió mới” tiếp tục cổ vũ, mở rộng con đường, thắp sáng ngọn lửa kinh doanh hướng đến các mục tiêu chiến lược năm 2030, xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Một số doanh nghiệp tư nhân đã gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới. Ảnh: Tuấn Anh
Một số doanh nghiệp tư nhân đã gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới. Ảnh: Tuấn Anh

Nhằm thôi thúc “ngọn lửa” kinh doanh, khích lệ DN, doanh nhân Việt Nam phát triển, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW thay thế Nghị quyết 09-NQ/TW. Theo bà, đâu là những điểm đáng chú ý trong Nghị quyết 41-NQ/TW?

Sau gần 40 năm Đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, phát triển mạnh mẽ, toàn diện, với quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên, đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Trong suốt quá trình phát triển đó, đội ngũ DN, doanh nhân nước ta không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bà Bùi Thu Thủy

Bà Bùi Thu Thủy

Nghị quyết 09-NQ/TW và Nghị quyết 41-NQ/TW đều được ban hành vào những thời điểm hết sức quan trọng, có tính bước ngoặt trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nghị quyết 09-NQ/TW được ban hành vào năm đầu tiên của Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 và Chiến lược 10 năm 2011 - 2020, xác lập các nền tảng quan trọng trong tư tưởng, định hướng, thúc đẩy đội ngũ DN, doanh nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh về số lượng và chất lượng.

Sau hơn 10 năm, Nghị quyết 41-NQ/TW ra đời vào thời điểm nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều mục tiêu lớn cần đạt được vào năm 2030, định hướng tới năm 2045. Chính vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục kế thừa, phát huy nhiều giải pháp còn giá trị tại Nghị quyết 09-NQ/TW, Nghị quyết 41-NQ/TW bổ sung thêm một số nhiệm vụ mang tính đột phá với các kỳ vọng lớn lao hơn từ đội ngũ doanh nhân, DN. Cộng đồng doanh nhân được kỳ vọng gánh vác các trọng trách, sứ mệnh lớn hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới.

Bên cạnh việc tiếp tục khẳng định mục tiêu “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội…”, Nghị quyết 41-NQ/TW bổ sung mục tiêu “Phát triển đội ngũ doanh nhân có tầm nhìn, trí tuệ, tinh thần kinh doanh, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc; ý thức bảo vệ môi trường…”.

Nghị quyết 41-NQ/TW đề ra mục tiêu cụ thể “Đến năm 2030, phấn đấu có nhiều DN đạt tầm khu vực, một số DN đạt tầm thế giới; một số DN lớn có vai trò dẫn dắt các ngành, lĩnh vực then chốt; giữ vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu…; đến năm 2045, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; một bộ phận DN có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu”.

Về nội dung, bên cạnh việc kế thừa Nghị quyết số 09-NQ/TW, Nghị quyết số 41-NQ/TW đưa ra nhiều nội dung mới nhằm nâng tầm vai trò, vị trí của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới.

Để đưa Nghị quyết 41-NQ/TW vào cuộc sống, Bộ KH&ĐT (trực tiếp là Cục Phát triển DN) được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Chương trình hành động nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết. Ngày 9/5/2024, Nghị quyết số 66/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW đã được Chính phủ ban hành.

Cùng với sự phát triển của đất nước, đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN đang có những chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Bà có thể khái quát “bức tranh” phát triển của DN, doanh nhân Việt Nam?

Trong bức tranh chung, Việt Nam có hơn 930.000 DN đang hoạt động, trong đó 98% là DN nhỏ và vừa, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Lực lượng này đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện thu nhập cho người lao động với đóng góp hơn 60% GDP, 70% nguồn thu ngân sách nhà nước.

Một số thương hiệu quốc gia đã gây được tiếng vang và khẳng định giá trị trên thị trường khu vực và thế giới, điển hình như: Viettel, Vinamilk, VinFast, Thaco, TH True Milk, gạo ST25…

Về đội ngũ doanh nhân, hiện chúng ta có khoảng 10 triệu người, chiếm 1/6 lực lượng lao động toàn quốc, dẫn dắt các khu vực kinh tế phát triển. Trình độ của lực lượng này ngày càng được nâng cao cả về học vấn lẫn năng lực quản trị… Theo Danh sách tỷ phú thế giới năm 2024 vừa được Tạp chí Forbes (Mỹ) cập nhật, Việt Nam có 6 tỷ phú USD, bao gồm: ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup; bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT VietJet Air; ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát; ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank; ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan; ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trường Hải.

Theo Danh sách tỷ phú thế giới năm 2024 vừa được Tạp chí Forbes (Mỹ) cập nhật, Việt Nam có 6 tỷ phú USD, bao gồm: ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup; bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT VietJet Air; ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát; ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank; ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan; ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trường Hải.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, DN Việt Nam đông, nhưng chưa mạnh. Về vấn đề này, Nghị quyết số 41-NQ/TW đã chỉ rõ những hạn chế trong việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, DN trong thời gian qua. Đó là, sự phát triển đội ngũ doanh nhân chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; phần lớn DN có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế; số lượng DN quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 còn yếu. Còn một bộ phận doanh nhân có đạo đức, văn hoá kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu…

Trong chuỗi sản xuất toàn cầu, phần việc DN nước ta đang tham gia chủ yếu ở các công đoạn giá trị gia tăng thấp, hàm lượng công nghệ còn thấp…

Để phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam vững mạnh, Chương trình hành động đặt ra những mục tiêu rất thách thức. Theo bà, chúng ta cần làm gì để xây dựng đội ngũ doanh nhân, DN không chỉ đông mà còn lớn mạnh?

Để có đội ngũ doanh nhân, DN tầm thế giới trong bối cảnh mới, Chương trình hành động đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 nước ta có ít nhất 2 triệu DN, trong đó hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt các ngành lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế; có ít nhất 70 DN có vốn hóa thị trường đạt trên 1 tỷ USD, 120 DN có doanh thu thuần đạt trên 1 tỷ USD và 100 DN đạt lợi nhuận trước thuế trên 100 triệu USD…

Đặc biệt, ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú USD thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.

Đây là những mục tiêu rất thách thức, song chúng ta có dư địa để đạt được nếu thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ mà Nghị quyết số 41-NQ/TW nhấn mạnh. Đó là, cần có chính sách đột phá để phát triển DN dân tộc, có quy mô lớn và dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt trong chuỗi giá trị toàn cầu; chính sách cần được hoàn thiện, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và bình đẳng; bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế; các khuôn khổ pháp luật phải bảo đảm ổn định, thống nhất và minh bạch, nhất là trong tiếp cận nguồn lực đất đai, tài chính…

Trong việc hỗ trợ DN, doanh nhân Việt Nam phát triển, xin bà chia sẻ một số giải pháp Bộ KH&ĐT đang và sẽ thực hiện sắp tới?

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của DN, doanh nhân trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, Bộ KH&ĐT đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng DN tháo gỡ các khó khăn, thách thức; đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nắm bắt cơ hội phát triển mới.

Cụ thể, Bộ đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi một số văn bản luật nhằm khơi thông “điểm nghẽn” trong quy định pháp luật của các luật liên quan đến đầu tư, đấu thầu, tài chính, ngân sách... thúc đẩy DN, doanh nhân phát triển. Cùng với đó là rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2017, tập trung vào các chính sách hỗ trợ DN mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, đẩy mạnh các mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo…

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ, Bộ KH&ĐT đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan, hiệp hội DN nghiên cứu xây dựng “Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ doanh nhân đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm tạo lập lực lượng doanh nhân có tầm nhìn, trí tuệ, có tinh thần tiên phong, đổi mới sáng tạo, có đạo đức và văn hóa kinh doanh; xây dựng “Chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân giai đoạn 2026 - 2030” ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng các nội dung về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, quản trị DN thông minh, hiện đại, xu hướng kinh doanh mới, các hiệp định thương mại tự do và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã và sẽ tham gia.

Ngoài ra, Bộ đang hoàn thiện báo cáo về Đề án “Xây dựng cơ chế, chính sách hình thành và phát triển DN dân tộc nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực mới nổi, có lợi thế cạnh tranh nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ” để trình Chính phủ cuối năm nay. Mục tiêu của Đề án nhằm hình thành lực lượng DN dân tộc có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp như nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 41-NQ/TW.

Tin cùng chuyên mục