Nâng trách nhiệm giải trình của Nhà nước

(BĐT) - Đó là yêu cầu có tính then chốt để có thể hiện đại hóa thể chế, đổi mới mạnh mẽ Nhà nước và mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường và xã hội được các chuyên gia khuyến nghị tại Báo cáo Việt Nam 2035.
Nâng trách nhiệm giải trình của Nhà nước

Thiết chế công bị thương mại hóa

Theo Báo cáo, do điều kiện lịch sử của Việt Nam, những thiết chế công đã bị thương mại hóa, cát cứ, manh mún và thiếu sự giám sát của người dân. Nguyên nhân của tình trạng này là do Nhà nước tham gia quá nhiều vào hoạt động kinh tế trực tiếp qua các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Sự thiếu rõ ràng trong phân cấp, phân công quyền hạn và trách nhiệm giữa các cơ quan trung ương với nhau và giữa Trung ương với địa phương đã tạo nên tính trì trệ và thiếu hiệu quả trong hoạch định và thực thi chính sách.

Sự cát cứ, manh mún quyền lực theo chiều ngang và chiều dọc dẫn đến chồng chéo nhiệm vụ và gây mâu thuẫn giữa các quy định và quyết định. Việt Nam thiếu một hệ thống kiểm soát và cân bằng hữu hiệu giữa ba nhánh của nhà nước pháp quyền, còn hạn chế trong tiếp cận thông tin, đây là chìa khóa để người dân thể hiện tiếng nói đối với việc giải trình của Nhà nước.

Trong một cuộc trao đổi với báo chí gần đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, cần phải phân cấp mạch lạc, có trật tự và có sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan quản lý nhà nước (CQQLNN), giữa các CQQLNN trung ương và CQQLNN địa phương; phải phân cấp, phân quyền hợp lý để tránh mất tính năng động của CQQLNN cấp dưới nhưng không để địa phương thành cát cứ, đến “xé rào” cái chung. Cũng cần phân định rõ chức năng nhà nước và chức năng thị trường. Nhà nước có thể hiệu chỉnh nhưng không được can thiệp thô bạo vào các hoạt động kinh tế trực tiếp.

Nâng cao trách nhiệm giải trình

Theo các khuyến nghị nêu tại Báo cáo Việt Nam 2035, để hiện đại hóa thể chế, Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ, nỗ lực nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước, bao gồm: xây dựng một nhà nước được tổ chức hợp lý hơn với bộ máy chức nghiệp thực tài; áp dụng nguyên tắc thị trường trong hoạch định chính sách kinh tế và nâng cao trách nhiệm giải trình của Nhà nước.

Nhóm chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần chuyển đổi vai trò từ thiên về sản xuất, kinh doanh sang xây dựng khung khổ pháp lý và kiến tạo sân chơi bình đẳng trong nền kinh tế, tập trung vào việc thực thi cạnh tranh tự do và công bằng, bảo đảm an toàn và minh bạch quyền sở hữu tài sản, đặc biệt là đất đai. Nhà nước không chỉ phải giảm số lượng DNNN và giảm đầu tư vào DNNN, đồng thời tăng cường quản trị DNNN còn lại, mà phải chấm dứt ưu đãi cho DNNN cũng như các doanh nghiệp tư nhân thân hữu.

Và để nâng cao trách nhiệm giải trình của Nhà nước, Báo cáo Việt Nam 2035 khuyến nghị, Nhà nước cần được tổ chức theo cách đảm bảo sự kiểm soát và cân bằng thực sự giữa các nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp. Quốc hội phải trở thành cơ quan chuyên nghiệp và giám sát toàn bộ hoạt động của Nhà nước.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần đưa ra một khung khổ pháp lý thúc đẩy quyền công dân; yêu cầu các cơ quan công quyền phải minh bạch và tạo cơ chế cho người dân tương tác hiệu quả với Nhà nước thông qua việc tăng cường tiếp cận thông tin chính xác, kịp thời và nâng cao vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng.        

Tin cùng chuyên mục