Nâng tỷ lệ vốn nhà nước trong các dự án PPP để thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Tờ trình của Chính phủ, một số địa phương đề xuất sửa đổi quy định về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đây cũng là một trong 5 nhóm chính sách được Chính phủ trình Quốc hội trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Chính phủ đề xuất quy định cho phép tỷ lệ vốn tham gia của Nhà nước trong dự án PPP không vượt quá 70% tổng mức đầu tư
Chính phủ đề xuất quy định cho phép tỷ lệ vốn tham gia của Nhà nước trong dự án PPP không vượt quá 70% tổng mức đầu tư

Chiều 27/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Quốc hội, Chính phủ đã đẩy mạnh việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình trọng điểm, hiện đại.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai áp dụng các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ đã bộc lộ, phát sinh một số quy định cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình, nhằm khơi thông nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công vào lĩnh vực giao thông đường bộ.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, gần đây, một số cơ quan, địa phương báo cáo khó khăn, vướng mắc và đề xuất sửa đổi một số quy định, trong đó có quy định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong các dự án PPP không vượt quá 50% tổng mức đầu tư.

Thực tế hiện nay, một số dự án giao thông đường bộ có tổng mức đầu tư lớn, trong khi nhu cầu vận tải chưa cao nên cần có sự tham gia vốn nhà nước nhiều hơn để đảm bảo tính khả thi khi kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP. Ngoài ra, có một số dự án đi qua khu vực đồng bằng có nhu cầu giải phóng mặt bằng nhiều, chiếm tỷ lệ cao trong tổng mức đầu tư dự án. Nếu áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP theo quy định sẽ khó bảo đảm hiệu quả tài chính và không thể hấp dẫn các nhà đầu tư để triển khai theo phương thức PPP. Chính sách đề xuất nhằm tạo động lực thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân, bảo đảm hiệu quả tài chính dự án, hấp dẫn các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng. Chính phủ đề xuất quy định cho phép tỷ lệ vốn tham gia của nhà nước không quá 70%, tương tự như Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế tại khoản 5 Điều 4 Nghị quyết số 98/2023/QH15 đối với TP. Hồ Chí Minh.

Theo ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các dự án giao thông đường bộ thường có chi phí thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tổng mức đầu tư rất lớn, dẫn đến khó khăn trong việc thu hút nguồn vốn ngoài nhà nước tham gia đầu tư. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc phát triển hệ thống giao thông đường bộ, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với đề xuất tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án đề xuất thí điểm.

Bên cạnh đó, thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, các dự án PPP giao thông gặp khó khăn chủ yếu do cơ chế, chính sách của Nhà nước thiếu ổn định nhưng chưa có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư một cách thỏa đáng... dẫn đến các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư quan ngại việc đầu tư các dự án này. Do đó, đề xuất của Chính phủ về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP chưa xử lý triệt để được những khó khăn, vướng mắc hiện nay. Đề nghị Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ để bảo đảm hiệu quả của chính sách đề xuất.

Tại buổi họp tổ diễn ra chiều cùng ngày, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng thuận với các nội dung của Dự thảo Nghị quyết. ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) thống nhất phương án trình của Chính phủ tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án đề xuất thí điểm.

Điều này sẽ tạo thêm sức hấp dẫn cho dự án khi phương án tài chính khả thi hơn, rút ngắn thời gian hoàn vốn; tạo động lực thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân trong việc xây dựng các dự án đường bộ; tiết kiệm nguồn lực và bộ máy quản lý nhà nước do chi phí vận hành, bảo trì, khai thác trong vòng đời dự án do nhà đầu tư thực hiện.

ĐBQH Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm, theo các quy định hiện tại thì nhà đầu tư phải chủ động bỏ vốn chủ sở hữu, vốn vay để thực hiện các hạng mục công trình trước (bao gồm cả phần chi phí thuộc phần vốn nhà nước tham gia) và chỉ sau khi hạng mục công trình đó được cơ quan ký kết hợp đồng dự án xác nhận đã hoàn thành thì mới được Nhà nước giải ngân. Việc này sẽ làm giảm tính hấp dẫn, gây khó khăn không nhỏ cho nhà đầu tư khi thu xếp, bố trí vốn triển khai dự án cũng như ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Theo đó, đại biểu này nêu ý kiến, cần nghiên cứu cập nhật, điều chỉnh nội dung này vào Điều 4 Dự thảo Nghị quyết theo hướng, phần vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP được thanh toán, giải ngân theo tiến độ, tỷ lệ tương ứng với phần vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng do nhà đầu tư huy động.

Liên quan đến Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù với các dự án giao thông đường bộ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc Chính phủ trình Quốc hội cho phép nâng tỷ lệ vốn nhà nước lên 70% trong dự án PPP là rất cần thiết. Mặc dù việc này chưa thực sự tháo gỡ được các vướng mắc, nhưng tạo được sức hút tốt hơn cho các dự án PPP.

Dẫn thêm kinh nghiệm quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, quốc tế không khống chế tỷ lệ vốn nhà nước tham gia, mức này có thể lên đến 80% hoặc với dự án hiệu quả cao thì nhà nước có thể chỉ cần bỏ vốn 20%, rất linh hoạt.

Một vấn đề quan trọng nữa là tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng. Khi cân nhắc tham gia dự án PPP, hai vấn đề nhà đầu tư quan tâm là hiệu quả và tiến độ giao mặt bằng. Các dự án ở quốc tế đều tách phần mặt bằng, khi giao dự án là 100% mặt bằng có sẵn, điều này ta chưa làm được.

Theo quy định hiện hành, các dự án nhóm A, dự án thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định đã được phép tách riêng phần giải phóng mặt bằng, tuy nhiên các dự án nhóm B, C chưa được phép. Do đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục đề xuất nhiều nội dung nữa.

Tin cùng chuyên mục