Nên để tổ chức ngành nghề cấp chứng chỉ hành nghề bảo hiểm?

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Thảo luật ở tổ của Quốc hội sáng 25/10 về Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi (Dự thảo Luật), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, cần rà soát kỹ để cắt giảm các thủ tục hành chính, giảm sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chẳng hạn giao quyền cấp chứng chỉ hành nghề cho tổ chức hội nghề nghiệp...

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Theo đại biểu quốc hội Trịnh Xuân Anh (Đồng Nai), dư địa phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam còn rất lớn với dân số 100 triệu dân và tỷ lệ doanh thu ngành bảo hiểm chỉ ở mức 4% GDP, rất thấp so với mức 7% của nhiều nước phát triển trên thế giới. Do đó, việc sửa đổi Luật này phù hợp với thực tiễn có thể tạo điều kiện và khuyến khích thị trường phát triển.

Ông Trịnh Xuân Anh nêu 3 điểm cần rà soát tại Dự thảo. Một là, cần quy định rõ các loại hình bảo hiểm bắt buộc tại Luật thay vì chỉ gọi tên 3 loại hình cụ thể và “sản phẩm bảo hiểm bắt buộc khác do Quốc hội quy định”. Hai là, nên xem xét quy định loại hình bảo hiểm hưu trí bổ sung tại Luật để có cơ sở phát triển loại hình bảo hiểm này, tạo điều kiện huy động nguồn lực từ những người về hưu và có nhu cầu đầu tư. Ba là, về quản lý nhà nước, cần rà soát các quy định về quản lý, nếu làm quá nặng thủ tục hành chính về quản lý, cấp phép, kiểm tra thì khó khơi thông vai trò của thị trường bảo hiểm. Thay vào đó, có thể giảm bớt các thủ tục hành chính của các cấp quản lý nhà nước bằng cách để cho các hội ngành nghề thực hiện.

Cùng quan điểm về điều này, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần xem xét việc giảm thủ tục hành chính cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Hiện Bộ Tài chính đang làm tất vòng đời của của doanh nghiệp bảo hiểm từ cấp phép cho đến phá sản, nên chăng tính đến việc giao quyền cấp chứng chỉ hành nghề cho các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp làm.

Theo đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba (Bình Định), Dự thảo nêu những nội dung theo hướng đơn giản hóa điều kiện kinh doanh nhưng những chính sách này chưa rõ ràng, cần bổ sung làm rõ đồng thời cần rà soát các nội dung tại Dự thảo Luật trong tương quan với các văn bản có liên quan, đặt biệt là Luật Dân sự. Mặt khác, cần khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế.

Cũng theo ông Ba, Dự thảo Luật cũng đề cập đến việc xây dựng hệ cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm (dữ liệu này có thể bao gồm bí mật cá nhân) nhưng chưa nêu rõ quyền tiếp cận thông tin này, cần có quy định rõ hơn để bảo vệ người tham gia bảo hiểm và các doanh nghiệp.

Hơn nữa, quy định về điều cấm tại Luật cũng chưa rõ ràng, cụ thể nội dung “cấm xúi giục giao kết hợp đồng bảo hiểm” là điều chưa hợp lý bởi chưa làm rõ cách thức xác định thế nào là xúi giục.

Theo đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên), cần có quy định về chống độc quyền hoặc câu kết để tạo lợi thế độc quyền của các doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi cho người mua bảo hiểm và phát triển thị trường bảo hiểm lành mạnh.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) cho rằng, Tờ trình Dự thảo Luật và các nội dung tại Dự thảo đều cho thấy rõ chủ trương khuyến khích sự phát triển của thị trường bảo hiểm, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động, chú trọng nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp. Trong khi đó, việc yêu cầu giải thích rõ quyền lợi của người mua bảo hiểm để tạo niềm tin vào ngành nghề này, từ đó thúc đẩy nhiều người tham gia bảo hiểm cũng là cách thức để phát triển thị trường song lại chưa được đề cập nhiều tại Dự thảo Luật.

Tin cùng chuyên mục