Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Giai đoạn 2013 - 2015, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) vẫn đều đặn báo lãi, tăng trưởng tín dụng cao, nợ xấu giảm nhanh, chia cổ tức cho cổ đông… Thế nhưng, phía sau “ánh hào quang” tăng trưởng kinh doanh của VIB vẫn đang “lấp ló” một vài “khoảng tối” về nợ xấu.
Khi nợ xấu tăng cao, hoặc nợ có vấn đề vẫn “ẩn nấp” đâu đó thì bản thân ngân hàng và đối tác mua nợ phải chịu áp lực trích lập dự phòng rủi ro và xử lý thu hồi. Điều này khiến cho lợi nhuận của nhà băng có thể biến động tăng/giảm theo diễn biến xử lý nợ xấu, nên số liệu lãi trên báo cáo cuối kỳ chưa phản ánh đúng lợi nhuận thực thu.
Vì đâu lợi nhuận hao hụt?
Theo báo cáo tài chính gần nhất, tại ngày 31/12/2015, VIB có tăng trưởng tín dụng ấn tượng lên tới 25,14% so với cuối năm 2014. Mức tăng tín dụng này cũng cao gần gấp rưỡi tăng trưởng của toàn hệ thống ngân hàng (tăng hơn 17%). Dư nợ cho vay khách hàng đã tăng gần 9.600 tỷ đồng, lên 47.777 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2015 giảm tích cực về mức 2,07% dư nợ (tương ứng 989,4 tỷ đồng), thấp hơn mức 2,51% vào cuối năm 2014.
Trái với tăng trưởng tín dụng cao, lợi nhuận của VIB lại có dấu hiệu đi xuống. Cụ thể, trong quý 4/2015, thu nhập lãi thuần giảm 14% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 603 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động khác giảm mạnh 73%, còn hơn 208 tỷ đồng. Do chi phí hoạt động, chi phí dự phòng tăng nên lợi nhuận sau thuế quý 4 chỉ đạt 198 tỷ đồng.
Cả năm, Ngân hàng đã trích dự phòng rủi ro tín dụng 507 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2015, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 655,5 tỷ đồng, chỉ tăng 6,8 tỷ đồng so với năm trước. Còn lợi nhuận sau thuế lại giảm 3%, đạt hơn 506 tỷ đồng.
Báo cáo của VIB cũng cho thấy, kết quả lợi nhuận kém lạc quan là do ảnh hưởng từ khối nợ xấu hơn 989 tỷ đồng, kéo theo tăng chi phí dự phòng, xử lý nợ xấu. Trong số này, nợ nhóm 5 - có nguy cơ mất vốn tăng tới gần 45%, lên mức 755 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2015). Đồng nghĩa, VIB sẽ phải thực hiện trích lập đúng 100% khoản nợ xấu nhóm 5 theo quy định.
Nhưng VIB chỉ cho biết, đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ tổng số 216 tỷ đồng, đã xử lý nguồn dự phòng 473,8 tỷ đồng. Số dư dự phòng cuối kỳ (tại ngày 31/12/2015) chỉ còn 291,566 tỷ đồng. Điều này cũng đặt ra câu hỏi, liệu VIB có tuân thủ đúng quy định về tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro là từ 5%, 20%, 50%, 100% đối với từng nhóm nợ xấu theo quy định hay không?
Bên cạnh đó, trong năm 2015, VIB đã thực hiện bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), thu về trái phiếu có giá trị ghi sổ là 3.715 tỷ đồng, tăng khoảng 1.409 tỷ đồng so với năm 2014. Đồng thời, Ngân hàng đã trích dự phòng cho các khoản nợ trước khi bán hơn 684,5 tỷ đồng (năm 2014 trích 762 tỷ đồng), riêng dự phòng trái phiếu VAMC là 638,5 tỷ đồng.
Loay hoay mua - bán nợ
Mặc dù VIB đã “luân chuyển” nợ sang VAMC hay các đối tác mua nợ, nhưng bản chất khoản nợ vẫn tồn tại và tiếp tục phải thu hồi, trích dự phòng đầy đủ. Nếu không thu hồi được thì VIB sẽ phải “cấu” từ lợi nhuận để bù đắp phần nợ mất vốn.
Câu hỏi đặt ra là, các ngân hàng đã và đang làm gì để “dọn dẹp” nợ xấu khẩn cấp trên sổ sách, khi mà việc thu hồi nợ gặp khó khăn vì doanh nghiệp kinh doanh sa sút, thua lỗ? Theo tiết lộ của một số cán bộ ngân hàng, để giảm nhanh nợ xấu, cần phải kết hợp nhiều biện pháp, vừa truyền thống, vừa kỹ thuật. Đơn cử: tăng dư nợ cho vay giảm tỷ lệ nợ xấu trên tổng nợ, cơ cấu lại các khoản nợ theo hướng giữ nguyên hoặc chuyển nhóm thấp hơn để giảm chi phí trích dự phòng rủi ro…
Từ năm 2013 đến nay, “cây đũa thần” VAMC “thu gom” hơn 243.000 tỷ đồng nợ xấu từ các ngân hàng, khiến cho tỷ lệ nợ xấu trên sổ sách giảm “thần tốc”.
Cũng có một số nhà băng thể hiện khả năng “sáng tạo” trong xử lý nợ xấu rất đáng chú ý. Trên thực tế, hoạt động mua bán nợ “chéo” diễn ra sôi động tại một số ngân hàng và công ty xử lý nợ AMC thuộc ngân hàng. Theo đó, quy mô nợ “luân chuyển” ở từng ngân hàng ước chừng lên đến hàng nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 7 - 12 tháng, lãi suất ấn định… Chu kỳ mua nợ thường bắt đầu từ quý 2 năm trước, kết thúc vào đầu năm sau để “né” kỳ báo cáo năm với những báo cáo số liệu nợ “đẹp” hơn thực tế.
Cần nhấn mạnh, các biện pháp kỹ thuật nêu trên chỉ giúp giảm nợ xấu trên giấy, còn bản chất vẫn chưa thu hồi được tiền cho vay.
Nghi vấn hiện tượng “lãi ảo” trong hệ thống ngân hàng, gần đây mới được Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia lên tiếng cảnh báo. Từ năm 2014, NHNN đã chỉ đạo ngân hàng thương mại hạn chế chia cổ tức khi chưa xử lý dứt điểm nợ xấu, và động thái “áp trần” tỷ lệ cổ tức phải chăng cũng có dự lường rủi ro “lãi ảo”?