Ảnh Internet |
Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đưa ra cảnh báo tăng trưởng toàn cầu sẽ đối mặt với "một thập kỷ mất mát", trong bối cảnh xung đột tại Ukraine, đại dịch Covid-19 và lạm phát liên tục tăng cao đã làm phức tạp thêm những thách thức hiện nay.
"Cần một nỗ lực chính sách tập thể phi thường để khôi phục mức tăng trưởng trong thập kỷ tới về mức trung bình của thập kỷ trước", WB khuyến nghị. Ba yếu tố chính được xác định là tác nhân đứng sau sự đảo ngược thành quả kinh tế là: lực lượng lao động già hóa, đầu tư suy giảm và năng suất chậm lại.
"Trên khắp thế giới, tốc độ tăng trưởng mang tính cấu trúc đang diễn ra chậm lại. Theo xu hướng hiện nay, tốc độ tăng trưởng tiềm năng toàn cầu - tốc độ tối đa mà một nền kinh tế có thể tăng trưởng mà không gây ra lạm phát - được dự đoán sẽ giảm xuống mức thấp nhất ba thập kỷ trong thời gian còn lại của thập niên 2020", WB nhận xét.
Tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế thế giới trong thập niên 2000 - 2010 là 3,5% mỗi năm. Tốc độ này giảm xuống còn trung bình 2,6% ở giai đoạn 2011 - 2021 và được dự báo tiếp tục giảm còn 2,2% trong giai đoạn 2022 - 2030.
Mỹ đã thông qua Đạo luật cắt giảm lạm phát với hàng trăm tỷ USD ưu đãi và tài trợ cho năng lượng sạch, cùng với một đạo luật khác nhằm tăng cường đầu tư vào lĩnh vực chất bán dẫn. Trong khi, Liên minh châu Âu đang nới lỏng các quy định về giảm thuế của chính phủ và các lợi ích khác cho các công ty công nghệ sạch.
Ngoài ra, các nền kinh tế lớn cũng đang cố gắng mở rộng lực lượng lao động. Đơn cử như tại Trung Quốc, tình trạng dân số ngày càng giảm đã khiến chính quyền địa phương ở nước này phải đưa ra những khoản thưởng tiền mặt và kéo dài thời gian nghỉ thai sản nhằm khuyến khích người dân sinh con.
Tuy nhiên, theo WB, những nỗ lực nhằm khôi phục tăng trưởng kinh tế toàn cầu trên cho đến nay có thể là quá ít và quá muộn.
Báo cáo của WB nhận định, tình trạng tăng trưởng suy yếu có thể còn rõ rệt hơn nếu khủng hoảng tài chính nổ ra ở các nền kinh tế lớn sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank gây ra sự hỗn loạn trong ngành ngân hàng của Mỹ và châu Âu.
Các câu hỏi xung quanh triển vọng tăng trưởng toàn cầu sẽ được đưa ra tại các cuộc họp mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và WB từ ngày 10 - 16/4. Các nhà hoạch định chính sách và quan chức ngân hàng trung ương sẽ tham gia cùng các nhà kinh tế từ khắp nơi trên thế giới để thảo luận về các chủ đề bao gồm: lạm phát, chuỗi cung ứng, sự phân mảnh thương mại toàn cầu, trí tuệ nhân tạo và nguồn nhân lực.
WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023
Đầu năm nay, WB đã giảm mạnh dự báo tăng trưởng ngắn hạn của nền kinh tế toàn cầu, với lý do lạm phát tăng cao liên tục làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế trên toàn thế giới. Tổ chức này dự đoán, tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại ở mức 1,7% trong năm 2023. Trong khi các tổ chức khác như IMF và Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ) dự báo, tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay sẽ tăng mạnh hơn ở mức 2,9%.
Đây không phải là lần đầu tiên WB cảnh báo về "một thập niên mất mát". Năm 2021, tổ chức này cho rằng, đại dịch Covid-19 đã khiến triển vọng về thương mại và đầu tư thấp hơn. WB cũng đã đưa ra những cảnh báo tương tự sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tăng trưởng toàn cầu từ năm 2009 - 2018 đạt trung bình 2,8%/năm, so với mức tăng trưởng 3,5%/năm trong thập kỷ trước đó.
Theo WB, một số thách thức có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng toàn cầu, gồm: đầu tư suy giảm, tăng trưởng năng suất chậm, các biện pháp hạn chế thương mại như thuế quan và các tác động tiêu cực liên tục do đại dịch.
Một số nhà phân tích cho rằng, cảnh báo của Ngân hàng Thế giới về một thập kỷ mất mát là quá bi quan. Nhà kinh tế học tại Đại học Harvard Karen Dynan cho rằng, dân số già ở hầu hết mọi nơi trên thế giới sẽ là lực cản đối với tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, bà Dynan lạc quan hơn về việc nâng cao năng suất lao động.
"Tôi cho rằng, ngoài các tác động về nhân khẩu học, năng suất lao động sẽ giống như trước đại dịch", bà Dynan nói thêm.
"Ngân hàng Thế giới đã đúng khi bày tỏ lo ngại về khả năng xảy ra một thập kỷ mất mát ở vùng châu Phi cận Sahara, Trung Mỹ, Nam Á - nơi rất nhiều người đang gặp nguy hiểm hoặc đang đối mặt với những tình cảnh rất nghiệt ngã. Nhưng từ triển vọng GDP toàn cầu, hoặc thậm chí là triển vọng dân số toàn cầu, hầu hết các thị trường mới nổi lớn cùng với hầu hết các nước thuộc G20 về cơ bản đang hoạt động khá tốt", ông Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận định.