Ngành giao thông vận tải đối diện loạt “bài toán khó” cuối năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là sẽ khép lại năm 2022, hàng loạt công trình trọng điểm của ngành giao thông vận tải (GTVT) sẽ phải khởi công hoặc hoàn thành theo kế hoạch đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua. Trong bối cảnh bộn bề đó, rất nhiều công trình BOT "lịch sử" để lại vẫn đang trông chờ giải pháp tháo gỡ "thế bí" cho các nhà đầu tư. Các chuyên gia đầu tư đánh giá, đây đều là những “bài toán hóc búa” cho ngành GTVT những tháng cuối năm 2022.
Cuối năm 2022, ngành GTVT phải khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần của Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh minh họa: Internet
Cuối năm 2022, ngành GTVT phải khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần của Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh minh họa: Internet

Theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, cuối năm 2022, Bộ GTVT phải thông xe kỹ thuật 4 dự án thành phần đường bộ cao tốc: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Cuối năm 2022 cũng là thời hạn ngành GTVT phải khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần của Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời phải khởi công nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Tại cuộc họp giao ban cuối tháng 10/2022, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng đã thẳng thắng nhìn nhận, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2022 của Bộ nói riêng và ngành GTVT nói chung là hết sức nặng nề. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành GTVT tập trung giải quyết đúng hạn các nhiệm vụ được lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT giao.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giao Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) chỉ đạo các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án (QLDA) tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án, bảo đảm tiến độ, chất lượng, lưu ý chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Tân Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đặc biệt lưu ý một số nhiệm vụ như hồ sơ, thủ tục để đủ điều kiện khởi công Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 phải hoàn thành trước ngày 31/12/2022; hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi để phê duyệt Dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trước ngày 30/11/2022, Dự án thành phần 2 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột trước ngày 20/1/2023...

Theo ý kiến của các chuyên gia, mặc dù thời gian qua, Bộ GTVT đã liên tục chỉ đạo, đốc thúc và triển khai hàng loạt giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thi công, đẩy mạnh công tác giải ngân song đến cuối tháng 10/2022, 4 dự án thành phần cao tốc dự kiến hoàn thành trong năm 2022 mới đạt sản lượng trung bình 70,1% so với giá trị hợp đồng, chậm khoảng 4% so với kế hoạch. Việc Bộ GTVT chỉ đạo Ban QLDA Thăng Long triển khai các giải pháp mạnh để thúc đẩy tiến độ thi công, bổ sung các nhà thầu phụ, kiểm điểm, điều chuyển khối lượng của các nhà thầu thi công chậm tiến độ phần nào đã cải thiện đáng kể tốc độ thi công trên các công trường cao tốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh thực hiện có nhiều khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp nền đường, thời tiết không thuận lợi, biến động giá vật liệu xây dựng, việc thi công đạt được tiến độ như hiện nay cũng đang dần “vắt kiệt sức khỏe” của nhà thầu làm cao tốc.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Đối với 12 dự án thành phần của đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, các Ban QLDA của Bộ GTVT đang xây dựng tiến độ triển khai chi tiết cho từng dự án; các địa phương cũng đã thực hiện công tác trích đo tại thực địa đạt 99,5% và công tác kiểm kê tài sản trên đất đạt 93%... Tuy nhiên, tên tuổi những nhà thầu nào sẽ được “chọn mặt gửi vàng” chỉ định thầu thi công các đoạn tuyến cao tốc này vẫn chưa công bố.

Theo chuyên gia đầu tư, sau khi Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có đề xuất các tiêu chí để lựa chọn nhà thầu, nhưng đến nay vẫn chưa có ý kiến chính thức và rõ ràng về các tiêu chí này. Việc lựa chọn nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sẽ thực hiện theo cơ chế đặc thù là chỉ định thầu, song từ lúc “ngắm” được nhà thầu đến khi khởi công công trình cũng phải có thời gian để cơ quan quản lý lập hồ sơ yêu cầu, nhà thầu làm hồ sơ đề xuất, đánh giá, thẩm định năng lực nhà thầu; các bên thương thảo các nội dung… Đối với các dự án cao tốc quy mô lớn, nếu hồ sơ, thủ tục làm không đầy đủ, không chặt chẽ mà vội vàng khởi công khi chưa đủ điều kiện thì sẽ để lại rất nhiều hệ lụy về sau.

Bên cạnh đó, hiện nay, câu chuyện hàng loạt dự án BOT bị vỡ phương án tài chính nhưng chưa có lời giải tháo gỡ cũng đang đẩy các nhà đầu tư - trên thực tế cũng là những nhà thầu xây lắp lớn - vào thế khó khăn. Khi nhà thầu khó khăn tài chính, giả sử được cân nhắc để chỉ định thầu làm cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 thì cũng không còn đủ mạnh để gánh vác trọng trách này. Do đó, câu chuyện về hàng loạt dự án BOT có quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng nói trên cần được quan tâm, giải quyết sớm…

Tin cùng chuyên mục